Kiên Giang: Kết nối cung cầu cho ngành sản xuất công nghiệp phát triển

Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp.

Theo Sở Công thương Kiên Giang, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2023 đạt 25.989 tỷ đồng để cả năm hơn 48.187 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch và tăng trên 8% so với năm 2022.

Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang cho biết, dự báo những tháng cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng dần qua các tháng, trong đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn ổn định. Lãi suất cho vay đã và đang được Nhà nước điều chỉnh nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, thị trường trong nước đang phục hồi nhưng chậm, sức mua còn yếu, tình trạng thiếu hụt đơn hàng, giá nguyên liệu, vật liệu và cước phí vận chuyển không ổn định gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của tỉnh trong những tháng cuối năm.

Theo đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang và các địa phương thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ, hiệu quả hơn.

Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả trong và ngoài nước để xuất khẩu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng…

Kinh tế vĩ mô - Kiên Giang: Kết nối cung cầu cho ngành sản xuất công nghiệp phát triển

Sản xuất bao bì tại Công ty cổ phần bao bì Hà Tiên nằm trên địa bàn huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Cụ thể là tổ chức hoạt động xúc tiến trong tỉnh, kết nối doanh nghiệp có sản phẩm đặc trưng, đủ điều kiện đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, siêu thị trên địa bàn tỉnh; hoạt động xúc tiến ngoài tỉnh, ký kết bản ghi nhớ, tham gia hoạt động xúc tiến ở nước ngoài; thông tin hoạt động về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh biết, vận động, khuyến khích, hỗ trợ tham gia.

Tỉnh chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các nội dung về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp.

Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP... tham gia các hoạt động, chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, hội nghị giao thương... trong và ngoài nước, nhất là tham gia trên Sàn Thương mại điện tử Kiên Giang (Kigi.com.vn) để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đối với hoạt động ngoại thương, tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm là 450 triệu USD, để năm 2023 đạt 860 triệu USD, bằng 100% kế hoạch và tăng 7,23% so với năm 2023.

Ngành chức năng tỉnh tăng cường khảo sát thực tế các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là về nguồn nguyên liệu, vốn tín dụng, công nhân lao động... Ngành chức năng tiếp tục thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế, những điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Lãnh đạo Sở Công thương Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những biến động khó lường của kinh tế thế giới, tình hình lạm phát vẫn ở mức cao, tổng cầu suy giảm, chi phí đầu vào và lãi suất tăng… đã tác động mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, các ngành, các cấp trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023.

Kinh tế vĩ mô - Kiên Giang: Kết nối cung cầu cho ngành sản xuất công nghiệp phát triển (Hình 2).

Sản xuất gạch không nung tại Công ty cổ phần gạch ngói Kiên Giang nằm trên địa bàn huyện Kiên Lương (Kiên Giang).

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 22.195 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022, gần bằng 42% kế hoạch, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 21.123 tỷ đồng, tăng 10,37% so cùng kỳ. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Giày da tăng 24,25%, tôm đông tăng 15,65%, khai thác đá tăng 10.46%, quần áo may sẳn tăng 10,41%, cá hộp tăng 9,73%, cá đông tăng 9,09%...

Tuy nhiên, một số sản phẩm có sản lượng giảm so cùng kỳ như: Gạch không nung giảm 65,35%, bao bì giảm 25,55, bia giảm 20,13%, nước mắm giảm 18,87%, gỗ MDF giảm 6,72… do khó khăn về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 410 triệu USD, bằng 47,6% kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ, trong đó, gạo hơn 131 triệu USD, hải sản hơn 110 triệu USD, giày da hơn 98 triệu USD và hàng khác trên 67 triệu USD. Hoạt động ngoại thương của tỉnh xuất khẩu hàng hóa qua khoảng 50 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới với những mặt hàng chủ lực như: Gạo, thủy sản, giày da...

Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang Trương cho biết, hoạt động của các khu, cụm công nghiệp cơ bản ổn định, thu hút thêm một số dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng tạo thêm dư địa cho tăng trưởng công nghiệp. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phục hồi sản xuất đã phát huy tác dụng, nhất là chính sách hỗ trợ về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và chính sách hỗ trợ về lao động đã giúp doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về điều kiện nguyên vật liệu đầu vào, tích cực mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, khơi thông thị trường đầu ra; hạn chế cắt giảm quy mô sản xuất và lao động, triển khai thực hiện kịp thời các hợp đồng cung ứng… đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công thương trong những tháng đầu năm.

Lượt xem: 11
Tác giả: Nguyễn Thanh Xuân
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.