Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử phát triển bùng nổ song đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Mới đây, đội quản lý thị trường (QLTT) số 9 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng tại đội 9, thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã phát hiện 28.000 sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân… không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo báo Đại Đoàn Kết, tổng giá trị hàng hóa lưu trữ tại kho ước tính hơn 1 tỷ đồng. Qua khai thác, được biết toàn bộ số hàng trong kho đều được phân phối bán hàng online trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử" do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức ngày 15/11 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, trong 10 tháng năm 2023, mặc dù đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường TMĐT.

Kinh tế - Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm tại cơ sở kinh doanh online ở Tp.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Công an Nhân dân.

Thượng tá Phạm Công Hải, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều hình thức vi phạm liên quan đến TMĐT. Vi phạm điển hình là bán hàng giả (hàng fake) của các nhãn hàng lớn. Lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn như: LV, Gucci, Montblanc… Các loại hàng giả chủ yếu: Túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… Các sản phẩm này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, ngụy trang qua hàng nghìn tài khoản mạng xã hội, số điện thoại, hội nhóm kín rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ… cũng diễn ra.

Theo đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nguồn hàng vũ khí, công cụ hỗ trợ được rao bán trên mạng chủ yếu nhập lậu từ các cửa khẩu như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan. Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng. Ngoài ra, dịch vụ làm giấy tờ giả; lôi kéo người dân tham gia đầu tư tài chính, đầu tư ngoại hối với hứa hẹn lãi suất cao, lợi nhuận lớn tại các vùng quê; buôn bán dược phẩm, thực phẩm chức năng; quảng cáo mua bán bóng cười, nước vui, cần sa, ma túy, qua mạng đã xuất hiện.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho hay, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Ví dụ, các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định, hàng giả, hàng vi phạm trên mạng “có từ gói thuốc lào đến bao diêm Thống Nhất”. Cơ quan quản lý biết là hàng hóa vi phạm nhưng để xử lý thì không dễ dàng.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, TMĐT phát triển đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân ở các địa phương vẫn hằng ngày livestream bán hàng đi khắp cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống là “tiền trao cháo múc” nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay.

Nhiều vụ việc lực lượng QLTT buộc phải theo xe chuyển phát đến sân bưu cục mới ập vào kiểm tra. "99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online. Mà có 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài, vận chuyển cũng từ nước ngoài nên rất khó xử lý", báo Công an Nhân dân dẫn lời ông Trần Hữu Linh.

Tại hội thảo, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực TMĐT cần quy trách nhiệm đối với chủ sàn, chủ website trong vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, các sàn TMĐT cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng liên thông giữa các bộ, ngành để kết nối, chia sẻ thông tin, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn nên lực lượng QLTT không thể "đơn thương độc mã" xử lý mà cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Minh Hoa (t/h)

Lượt xem: 13
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.