Tỉ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể giảm liên tục

Trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể rất thấp, đóng góp vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020.

Sáng 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các điểm cầu tại trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở các bộ, cơ quan Trung ương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về kinh tế tập thể.

Báo cáo được thực hiện trên cơ sở báo cáo tổng kết của 10 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, 3 báo cáo khảo sát thực tế, 16 báo cáo chuyên đề, 12 hội thảo chuyên gia và báo cáo tổng kết của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực của nền kinh tế

Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tập thể, HTX phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, HTX đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện.

Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.

Trong đó, việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX theo quy định của Luật HTX cơ bản được hoàn thành, nhiều HTX được thành lập. Đến cuối năm 2020, chỉ còn 615 HTX chưa đăng ký và tổ chức lại, chiếm 2,21% tổng số HTX cả nước.

Số HTX thành lập mới chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các tỉnh Nam bộ, Bắc Trung bộ và một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục

Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra nhưng chưa đạt mục tiêu hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỉ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra. Liên tục trong 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể, HTX đạt thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

"Đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP cả nước giảm liên tục từ 8,06% năm 2001 xuống còn 3,62% năm 2020. So với mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới tỉ có trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế, là không đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Kinh tế vĩ mô - Tỉ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể giảm liên tục

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị sáng 15/2 (Ảnh: MPI).

Việc đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề như yêu cầu của Nghị quyết cũng chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đã yêu cầu “có bộ máy quản lý chuyên trách thích hợp (các bộ có vụ, sở có phòng quản lý kinh tế tập thể) để theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ đối với khu vực kinh tế tập thể ”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể vẫn chưa đạt yêu cầu, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa nắm chắc tình hình phát triển kinh tế tập thể…

Trong thời gian tới, kinh tế tập thể, HTX phát triển trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Sau 35 năm đổi mới, kinh tế nước ta có nhiều thay đổi tích cực, quá trình đô thị hóa nhanh diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

“Tuy nhiên, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn”, Bộ trưởng nêu.

Kinh tế vĩ mô - Tỉ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể giảm liên tục (Hình 2).

Việc phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới sẽ có nhiều đổi mới, để phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế (Ảnh: Hữu Thắng).

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới là phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia. 

Không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp hiện đại hóa, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Lượt xem: 341
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.