Tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 11 đợt 1
Việc thẩm định sách giáo khoa giúp tránh nhầm lẫn, nội dung sẽ được làm mới phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay.
Thực hiện đúng tiến độ, đúng quy trình
Sáng 12/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã có buổi làm việc với hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 11.
Theo Chương trình GDPT 2018 đối với khối 11 sẽ được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường từ năm học 2023-2024. Để đảm bảo tiến độ, lộ trình và chất lượng SGK lớp 11, Bộ GD&ĐT đã thành lập các hội đồng thẩm định sách giáo khoa từ ngày 21/7.
Báo cáo tại hội nghị, TS.Sái Công Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, đến nay các hội đồng thẩm định các bộ sách đang thực hiện theo đúng tiến độ, đúng quy trình. Công tác thẩm định sách giáo khoa lớp 11, đợt 1 được chuẩn bị chu đáo. Bộ đã nhận các bản sách giáo khoa từ 19/7; có 57 bản mẫu của các nhà xuất bản. Trong đó có môn nhiều bản sách như Tiếng Anh 9 cuốn, Giáo dục thể chất 8 cuốn.
Ngày 21/7, 15 hội đồng thẩm định sách giáo khoa được thành lập. Trong hội đồng thẩm định, 1/3 thành viên là thầy cô thuộc các trường THPT; 50% thành viên hội đồng thẩm định đã tham gia thẩm định sách giáo khoa lớp 10, đảm bảo tính kế thừa.
Thành viên hội đồng làm việc trực tiếp với các tác giả viết sách để trao đổi, phân tích, soi xét các tiêu chí theo quy định, chất lượng các bài học. Hội đồng thẩm định sẽ làm việc theo cách cuốn chiếu từng bộ sách. Theo tiến độ, hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 11 sẽ kết thúc cuối tháng 9, một số hội đồng sẽ kết thúc vào ngày 25-26/9.
Báo cáo về những thuận lợi khó khăn trong quá trình thẩm định, thành viên của các hội đồng cho biết phần lớn các thầy cô làm công tác thẩm định SGK lớp 11 năm nay có nhiều người đã tham gia Hội đồng thẩm định SGK lớp 10 nên đã có kinh nghiệm.
Đại diện hội đồng thẩm định môn Ngữ văn bày tỏ, đến nay hội đồng đang làm việc theo đúng quy trình đề ra. Căn cứ vào Chương trình GDPT 2018 với các yêu cầu, nội dung cần đạt, các thành viên sẽ cùng phân tích, nghiên cứu, thẩm định các bộ sách giáo khoa hướng đến những sản phẩm tốt nhất cho chương trình.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GD&ĐT lắng nghe những ý kiến, chia sẻ tâm huyết của thành viên các hội đồng môn Sinh học, Toán, Tin học, Giáo dục thể chất, Giáo dục kinh tế và pháp luật...
Các thành viên thẩm định cho rằng, sẽ cố gắng bằng năng lực chuyên môn, tâm huyết của mình để góp ý, điều chỉnh cần thiết nhất, mang đến chất lượng tốt cho bộ sách.
Thành viên hội đồng thẩm định môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật mong muốn có những điều chỉnh về một số nội dung trong bản sách đảm bảo tính chính xác, bắt nhịp yêu cầu thực tiễn.... Việc xem xét, đối chiếu bản mẫu sách giáo khoa lớp 11 với các thông tư quy định để thấy được những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, cắt bỏ là vấn đề khó khăn, trở ngại và mất nhiều thời gian.
Một số thầy cô cho rằng, quá trình thẩm định cần thiết phải xin thêm ý kiến của các giáo viên dạy phổ thông. Sau khi hội đồng thẩm định lần 1 có góp ý, sửa đổi, bản sách cần đồng thời chuyển tới hội đồng thẩm định để thực hiện quy trình tiếp theo và chuyển cho nhóm giáo viên phổ thông để có nghiên cứu, góp ý kịp thời.
Triển khai thẩm định chặt chẽ vòng 1
Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá công việc thẩm định các bộ sách giáo khoa lớp 11 có nhiều điểm thuận lợi, bởi nhiều thầy cô có kinh nghiệm từ lần thẩm định sách giáo khoa lớp 10.
Thứ trưởng mong muốn, các thành viên thẩm định sách giáo khoa cần làm việc công tâm, khách quan, vòng 1 càng phải chặt chẽ. Nếu có những bộ sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng, kiên quyết bỏ lại bởi mục tiêu số 1 là chất lượng.
Thứ trưởng yêu cầu các thầy cô giáo bậc phổ thông cần có những góp ý khách quan, thể hiện trách nhiệm, vai trò của mình. Hội đồng thẩm định sách có tính pháp lý cao nên vai trò rất quan trọng để có được những cuốn sách giáo khoa chất lượng.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận vai trò của hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các thầy cô là thành viên trong hội đồng dành thời gian, chuyên tâm cho công tác và đề cao vai trò của mình để có thể thẩm định được các bộ SGK chất lượng.
Các thầy cô cần có cái nhìn, thái độ đúng với Chương trình GDPT 2018, đó là sự cố gắng lớn của tập thể. Chương trình là chỗ dựa quan trọng cho đổi mới, là tiền đề, xương sống của đổi mới. Hãy để những khoảng mở phát huy sáng tạo, năng lực phẩm chất của cả người dạy và người học, nhưng Chương trình cũng không phải là nhất thành bất biến.