Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển lại rơi vào bế tắc

Ngày 31-1, tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phê chuẩn nghị định thư liên quan đến tư cách thành viên trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển và Phần Lan trong bối cảnh hiện nay. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc con đường gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu sẽ còn nhiều trắc trở.

Chia sẻ quan điểm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto nhận xét, Chính phủ Thụy Điển nên “hành động khác đi” nếu muốn giành được sự ủng hộ của Ankara. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng, cuộc biểu tình và đốt kinh Koran gần đây bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm là không thể chấp nhận được: “Việc đốt một cuốn sách thánh của một tôn giáo khác là một hành động không thể chấp nhận được... Việc bao biện rằng đốt sách là một phần của quyền tự do ngôn luận lại càng xuẩn ngốc”.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu (bên trái) trong cuộc gặp với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại thủ đô Budapest (Hungary), ngày 31-1.Ảnh: AP 

Ông Cavusoglu vừa có chuyến công du tới Hungary. Trong cuộc hội đàm tại Budapest, hai nhà ngoại giao đã đề cập đến tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Ankara và Stockholm. Căng thẳng diễn ra đúng vào thời điểm Thụy Điển cần phải nỗ lực giành sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thành viên NATO. Ankara cáo buộc Chính phủ Thụy Điển đã "bật đèn xanh", cho phép chính trị gia cánh hữu Stram Kurs Rasmus Paludan biểu tình và đốt bản sao cuốn kinh Koran của người Hồi giáo. Vụ việc bị coi như một sự báng bổ tôn giáo, thổi bùng lên phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người biểu tình đã kéo xuống đường và đốt cờ Thụy Điển trước đại sứ quán của nước này.

Ngay sau vụ việc, Ankara đã quyết định hủy chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson tới Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã được lên lịch từ trước đó. Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thông báo hoãn cuộc họp vào tháng 2 giữa nước này với Thụy Điển và Phần Lan với lý do "môi trường chính trị không lành mạnh" hiện tại. Trước đó, 3 nước từng ký thỏa thuận về ủng hộ tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. 

Hồi tháng 5 năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO. Hai nước láng giềng Bắc Âu có chung đường biên giới với Nga đã từ bỏ vai trò trung lập truyền thống và tìm kiếm tư cách thành viên NATO do lo ngại về vấn đề an ninh sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới bắt buộc phải được sự đồng ý của tất cả 30 thành viên NATO. Cho tới thời điểm này, trong NATO chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa đồng ý để hai nước trên gia nhập khối. AP dẫn nguồn tin từ Chính phủ Hungary cho biết, nước này sẽ bỏ phiếu thông qua đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan trong kỳ họp quốc hội vào tháng 2. Như vậy, trở ngại còn lại chỉ phụ thuộc vào Ankara.

Ankara lâu nay không hài lòng với những động thái của hai nước Bắc Âu trong việc trấn áp các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển che giấu các tay súng khủng bố bị Thổ Nhĩ Kỳ truy nã. Vì vậy, Helsinki và Stockholm “cần làm nhiều hơn nữa” trước khi đơn xin gia nhập NATO được Ankara chấp thuận.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng Cavusoglu đã để ngỏ khả năng chấp nhận để Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Điển. Tuy nhiên, Helsinki đã bày tỏ tình đoàn kết với Stockholm bằng mong muốn cùng được NATO kết nạp vào tháng 7 tới, khi hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra tại Vilnius (Litva).

Trước những trắc trở trong tiến trình gia nhập NATO, tờ Politico bình luận: “Quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển lẽ ra phải là quá trình gia nhập dễ dàng nhất trong lịch sử của liên minh... Thế nhưng, bằng cách chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ, quá trình này đã gần như bị hủy hoại...”. Còn nhớ, khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này ở Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 7 năm ngoái, bao trùm bầu không khí lúc đó là sự tích cực đầy hứa hẹn. Lãnh đạo các nước thành viên NATO bày tỏ, các đồng minh đang mong chờ hai thành viên mới, rằng chắc chắn họ sẽ chấp thuận và phê chuẩn nhanh chóng đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan-hai quốc gia đã là đối tác cực kỳ thân thiết của NATO và cũng sẽ mang lại những tài sản quân sự quan trọng cho liên minh. Sức mạnh chưa được củng cố thì nội bộ NATO dường như lại lâm vào tình trạng chia rẽ. Cái sảy nảy cái ung, con đường kết nạp thành viên mới của NATO tưởng chừng thuận lợi, nay lại tiềm ẩn những khúc quanh gồ ghề, khúc khuỷu mà chưa biết đến khi nào mới được san phẳng.

Tags: NATO
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.