Tranh cãi lùi giờ vào học: Cần giải quyết căn nguyên vấn đề
Trước tranh cãi về việc lùi giờ vào học, nhiều giáo viên cho rằng cần phải bắt bệnh tận gốc nguyên nhân học sinh ít có thời gian nghỉ ngơi thay vì chỉ trị phần ngọn
Thời gian gần đây, việc học sinh vào học quá sớm đang là vấn đề được nhắc lại và gây nhiều tranh luận.
Trao đổi với báo Thanh Niên, nhiều phụ huynh cho hay mong muốn lùi giờ vào lớp, ra về của học sinh tiểu học muộn hơn, để có thể thuận tiện đưa rước con.
Phụ huynh tên Thuận, có con lớp 2 Trường tiểu học Bùi Văn Ngữ (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), cho biết mỗi ngày anh phải đưa con tới, có mặt ở trường trước 7h10 để ổn định và 7h30 bắt đầu học. Mỗi buổi chiều, học sinh lớp 1 về lúc 15h30, lớp 2 về lúc 15h45, còn lại ra về lúc 16h.
“Năm trước trẻ còn phải có mặt trước 7h, năm nay đã lùi muộn hơn 30 phút nên đỡ hơn nhiều, các con có thời gian ăn sáng. Nhưng còn giờ ra về, chúng tôi rất mong được dời giờ đón con xuống trễ hơn một chút vì rất chật vật cho người làm công ăn lương. Nhiều cặp vợ chồng phải có một người “hy sinh”, đành chọn công việc linh động giờ giấc để có thể đón con, hoặc thuê người đón, vì cả 2 làm giờ hành chính thì không thể nào sắp xếp đón con từ 15h30 hay 16h được”, anh Thuận nói.
Chị Hoàng Thị Mai, có 2 con học lớp 1 và lớp 8 ở quận 3, cũng cho hay: “Lớp 1 phải có mặt ở trường muộn nhất lúc 7h20, thứ hai phải có mặt trước 7h10, các con tan học lúc 16h. Còn cháu lớp 8 học 1 buổi, phải có mặt lúc 12h30 và đón lúc 17h10. Vậy là mỗi chiều tôi đón con út xong thì phải đợi thêm 70 phút nữa để đón được con lớn. Ngày nào tôi cũng phải mang laptop theo, trong lúc đợi đón con lớn thì tôi và cháu nhỏ ngồi quán nước làm việc”.
Người mẹ này cho biết nếu được nên lùi giờ tan trường cho học sinh lớp 1 xuống 16h30 để thuận tiện hơn cho phụ huynh. Vì 16h nhân viên các cơ quan hành chính sự nghiệp chưa thể được nghỉ và không phải gia đình nào cũng có ông bà, người thân để hỗ trợ đưa đón con.
Anh Khoa, phụ huynh Trường Nam Sài Gòn (quận 7), thì nêu ý kiến: "Con đi học trường gần nhà, nhưng cả ba mẹ đều đi làm xa. Nếu không đưa con đến sớm thì không đủ thời gian cho ba mẹ đến nơi làm việc đúng giờ. Tôi nghĩ các trường ấn định thời gian vào học là một chuyện nhưng cần linh động trong khung nào để phụ huynh đỡ áp lực".
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ mong giữ nguyên giờ giấc như hiện nay vì họ cho rằng giờ vào học như trên là hợp lý, phù hợp với đa số phụ huynh vừa đi làm vừa đưa con đi học.
Chia sẻ với báo Người Lao Động, chị Hạnh, một phụ huynh tại Tp.Thủ Đức cho biết: "Trường tổ chức đón trẻ từ 6h45, nhưng bắt đầu vào học chính thức lúc 7h15. Thời gian này là hợp lý vì tôi đưa con đến trường xong còn phải đến công ty điểm danh lúc 7h30".
Cùng suy nghĩ, chị Thu Thuỷ (phường 13, quận Tân Bình, Tp.HCM), phụ huynh học sinh 2 bé bậc Tiểu học cũng băn khoăn về than phiền của một số phụ huynh. “Tôi thấy nhiều phụ huynh kêu ca là con phải dậy từ 5h để đi học. Tôi lấy làm lạ và bất ngờ. Thành phố… đều bố trí trường học đúng tuyến rất hợp lý, bán kính chỉ khoảng 3-5km, như ở phường tôi có đến 2 trường tiểu học. Như vậy nếu học đúng tuyến thì tại sao phải dậy từ 5h để đi học? Phụ huynh cần chọn trường phù hợp với điều kiện của gia đình mình. Vợ chồng tôi bận rộn vì thế chọn trường đúng tuyến, gần nhà là ưu tiên số 1 để cả cha mẹ và con cái cùng không vất vả”, chị Thuỷ cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với báo Lao Động, ThS Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, Tp.HCM) bày tỏ, ông rất quan tâm tới phản ánh của không ít phụ huynh than con chỉ ngủ được 5 - 6 tiếng một ngày nên trên đường đến trường bị "gù gà gù gật", nếu kéo dài tình trạng này sức khỏe của trẻ bị tổn hại, lớn nhất là chiều cao và trí nhớ.
Ông Huỳnh Thanh Phú đánh giá đây là vấn đề rất đáng được quan tâm, tuy vậy, ông cũng bày tỏ băn khoăn lý do phụ huynh phản ánh trẻ chỉ được ngủ ít như vậy.
“Phụ huynh phản ánh trẻ chỉ được ngủ 5-6 tiếng. Tôi không hiểu sao mà các bé ngủ ít giờ như vậy? Lỗi tại ai? Nhẩm đi nhẩm lại với thời gian ngủ như thế thì bé thức khuya quá, mãi 12h đêm có khi 1h sáng. Vậy bé thức làm gì? Có phải do người lớn ép con học hay vì một lý do nào khác nữa?”, ông Phú nói.
Theo ông Phú, khoa học khuyến cáo trẻ em phải ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, thời gian ngủ tốt nhất là từ 21h - 22h. Khi ngủ đủ giấc, trẻ sẽ có đủ sức khoẻ, tinh thần tốt dễ tiếp thu bài. Vì thế, cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân trẻ đi ngủ muộn, ngủ ít giờ chứ không phải chỉ nói lý do nhà trường yêu cầu vào học sớm.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cũng cảnh báo nếu thay đổi giờ vào học sẽ kéo theo nhiều vấn đề như: Vỡ kế hoạch của phụ huynh; Kẹt xe vì học sinh, phụ huynh ra đường đi đến cơ quan cùng thời điểm với người lao động đi làm. Việc lùi thời gian vào học cũng dẫn đến tan lớp trễ hơn, tiếp tục tạo nên áp lực giao thông.
ThS Huỳnh Thanh Phú cũng nêu vấn đề hiện nay, ngoài trên trường học sinh sẽ đi học thêm nên lùi thời gian sẽ dẫn đến lùi giờ học thêm, thậm chí nếu học 2 ca sẽ kéo dài đến 21h-21h30; các con “chạy show” đi học sẽ không kịp ăn xế; giáo viên phải điều chỉnh giờ làm thêm… Rất nhiều hệ luỵ kéo theo nếu đồng loạt thay đổi giờ học.
Về thực trạng trẻ đi ngủ muộn, cô giáo Nguyễn Thị Thuyên, giáo viên trường THPT tại Thái Bình, cho rằng, việc này có thể đến từ áp lực học hành mà chính gia đình đang tạo cho các con. “Ở một số nơi, học sinh không chỉ học trên trường mà còn “chạy show” học thêm. Khi về đến nhà lo làm bài tập đã quá muộn. Bên cạnh đó, việc học sinh ngủ không đủ giấc có thể là do thói quen không lành mạnh từ phía gia đình. Trẻ cùng bố mẹ xem điện thoại, tivi, laptop tới khuya mới đi ngủ”, nữ giáo viên cho hay. Từ đó, cô Thuyên cho biết, cần tìm hiểu rõ bản chất của việc trẻ không ngủ đủ giấc để điều chỉnh phù hợp.
Đồng quan điểm, ThS Huỳnh Thanh Phú cũng chỉ ra rằng con đi học, bố mẹ cũng đến nơi làm việc, vì thế, thời gian đi học hiện tại là hợp lý. Điều này cũng giảm thiểu tình trạng kẹt xe và phụ huynh cũng có thời gian sắp xếp các công việc khác. Giải pháp được thầy giáo nêu ra để giải quyết tình trạng trên là gia đình cần chọn trường cho con học gần nhà; đồng thời cần cân nhắc việc học thêm, thời gian sinh hoạt hợp lý.
Ở phía nhà trường, cần giảm tải bài tập về nhà; giao nội dung học tập sớm hơn ít nhất 1 ngày, không để tình trạng giao việc quá sát. Các đơn vị cũng cần phân bổ lịch kiểm tra trải dài, tránh dồn nhiều môn trong 1 ngày, đề kiểm tra phù hợp với kiến thức và năng lực của học sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, Tp.HCM) nêu.
Minh Hoa (t/h)