Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cháy nổ với loại hình nhà ở tiềm ẩn nguy cơ cao

UBND tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không để xảy ra cháy, nổ và thiệt hại về người, tài sản. Các hoạt động này góp phần kịp thời khắc phục bất cập và ngăn chặn triệt để các nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ đối với loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh,

Cụ thể, Công an tỉnh phối hợp với các Sở: Xây dựng, Công Thương, Điện lực và các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao. Trong đó, trọng tâm là nhà chung cư, tập thể, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ)...; thực hiện hiệu quả quản lý về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư, xây dựng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về lĩnh vực này đối với dự án, công trình nhà ở. Qua đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy, xử lý nghiêm các vi phạm.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy cơ cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ)... tham mưu, hướng dẫn, áp dụng các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả.

Các ban, ngành, đoàn thể tổ chức rà soát, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý những bất cập trong phòng cháy, chữa cháy; xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ sở và người dân trong việc chấp hành quy định, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

UBND huyện, thành phố rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, khu vực giải tỏa để có giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt, chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. UBND huyện, thành phố giải quyết dứt điểm tình trạng cơi nới chiếm dụng lối đi chung, cản trở đường giao thông và lối thoát nạn; việc câu, mắc đường dây dẫn điện, viễn thông không bảo đảm an toàn theo quy định.

Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố vận động 100% hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm các điều kiện an toàn và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, ngay từ cơ sở; xây dựng tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng.

UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với 100% cơ sở nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường phòng cháy, chữa cháy do UBND tỉnh đã ban hành, hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Sau thời gian trên, nếu  các cơ sở không thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong…

*Ngày 15/7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã ra quyết định xử phạt chủ một xưởng may tại thôn 4, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh 40 triệu đồng về hành vi đưa công trình vào hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1167/QĐ-XPVPHC ngày 12/7/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng, người bị xử phạt là bà Ngô Thị Dung (sinh năm 1969, trú tại Tổ dân phố 4B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh). Hành vi bị xử phạt của chủ xưởng may trên được quy định tại Khoản 4, Điều 38, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.

Lâm Đồng là địa phương thực hiện khá tốt công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong thời gian gần đây, các vụ cháy xảy ra ở địa phương chủ yếu là cháy rừng, cháy thảm thực vật do người làm rẫy đốt dọn thực bì gây ra. Tuy nhiên, ngày 24/6, trên địa bàn phường 7, thành phố Đà Lạt xảy ra vụ cháy nhà thương tâm, khiến 3 cháu bé từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi thiệt mạng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do người mẹ không tắt bếp gas khi đi ra ngoài, nhưng lại khóa cửa khiến người bên ngoài không thể vào cứu các cháu kịp thời.

Sau vụ cháy này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện yêu cầu Bộ Công an và UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là Luật Phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy…/.

Vũ Quang - Quốc Hùng

Lượt xem: 3
Tác giả: Hà Thị Thanh Giang
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết