Truyền thông mạnh để bồi đắp văn hóa giao thông

Với mỗi giải pháp nâng cao an toàn giao thông hiệu quả, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, kinh tế - xã hội sẽ có những bước phát triển mới. Truyền thông là giải pháp không thể thiếu trong việc xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội.

Tuyên truyền để người dân hiểu luật khi tham gia giao thông. Ảnh: Trần Dũng  

Kiềm chế phát triển

Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, đến hết năm 2020, Việt Nam có 72,6 triệu xe máy và 4,65 triệu ô tô, trong đó Hà Nội chiếm hơn 7 triệu xe máy và hơn 47.000 xe ô tô. Chỉ tính riêng ở Hà Nội từ năm 2018 đến hết năm 2021, mỗi năm trung bình xảy ra hơn 1.100 vụ tai nạn làm chết hơn 460 người. Số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) đa số đang thuộc độ tuổi lao động, số còn lại chủ yếu ở tuổi vị thành niên.

TS Trần Hữu Minh – Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, hậu quả của TNGT để lại rất lớn cho con người và xã hội. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, thiệt hại do TNGT tại Việt Nam, dao động từ 2 - 3% GDP cả nước. Nếu không quyết tâm kiềm chế TNGT, thành quả của sự nỗ lực phát triển sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

“Tốc độ tăng trưởng về phương tiện giao thông ở Việt Nam ngày một tăng nhanh, trung bình 1.000 người dân sở hữu 670 xe máy. Việc gia tăng phương tiện cá nhân là vấn đề đáng lo ngại. Người dân càng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, TNGT cũng sẽ tăng theo. Với mỗi giải pháp nâng cao an toàn giao thông hiệu quả, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp, kinh tế - xã hội có những bước tiến, phát triển nhanh chóng” – ông Trần Hữu Minh cho biết thêm.

Việc gia tăng phương tiện cá nhân gây nên vấn đề ùn tắc giao thông đang rất được quan tâm, nhất là ở một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Tuy nhiên, đến nay chưa có giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc mà chỉ mang tính chất tương đối hoặc tạm thời. Do lượng phương tiện tăng nhanh, vấn đề phơi nhiễm của người tham gia giao thông cũng được xã hội quan tâm, nhiều chất độc do phương tiện thải ra đòi hỏi cần có lộ trình kiểm soát.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Lê Trung Hiếu nhận định, tuy mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt được khá cao, nhưng đi liền với nó là vấn đề về TNGT và ùn tắc giao thông, đặc biệt trong giao thông đường bộ. Cho nên, nhiều người thường nói rằng, giao thông đường bộ ở Hà Nội giống như một quả bong bóng, dẹp được chỗ này lại phình chỗ khác. Đã có không biết bao nhiêu chiến dịch, chỉ thị nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại đâu vào đấy.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này có nhiều, như do sự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân và ý thức của người tham gia giao thông quá kém, chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Bên cạnh đó cũng phải kể đến đường sá quá nhỏ hẹp, nhiều khúc cua 90 độ trong khi đó có quá nhiều các biển báo cấm và biển báo hiệu trên một đoạn đường; vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh bán hàng, để xe ô tô, dẫn tới tình trạng người tham gia giao thông bị khuất tầm nhìn; nhiều đoạn đường xuống cấp quá nhanh có nguy cơ tiềm ẩn TNGT.

"Có thể nói rằng, cứ ở đâu có đường ở đó có nhà dân, thậm chí các DN, nhà máy, khu công nghiệp cũng coi bám mặt đường là một lợi thế. Vì thế “trăm hoa đua nở” dẫn đến việc khó kiểm soát” – ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.

 Ảnh Thanh Hải

 Ảnh Thanh Hải

Thay đổi nhận thức người dân

Theo ông Lê Trung Hiếu, việc thay đổi nhận thức người dân, nâng cao ý thức tham gia giao thông là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để cải thiện tình hình giao thông có nhiều vấn đề ở Hà Nội.

“Lấy ví dụ như đường Nguyễn Trãi, về giải pháp, kết cấu hạ tầng… đều đầy đủ hoàn thiện, tuy nhiên mấu chốt nằm ở chỗ ý thức của người dân tham gia giao thông kiểu mạnh ai nấy đi, lấn làn, đi ngược chiều, tạt ngang, tạt dọc… khiến cho tình trạng giao thông trên tuyến vẫn trở nên hỗn loạn, ùn tắc. Chỉ có ý thức người dân được nâng cao, ùn tắc trên tuyến mới có thể được giải quyết triệt để” – ông Lê Trung Hiếu nhìn nhận, và đề xuất, để nâng cao ý thức người dân, không thể tuyên truyền nhắc nhở không mãi được, cần mạnh tay xử lý, phạt nặng những trường hợp cố tình vi phạm. Khi đó sẽ tạo ra hiệu ứng truyền thông lan truyền từ người bị xử phạt đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh.

Trước thực tế trên, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, TS Trần Hữu Minh nhận định, truyền thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện hiệu quả các kế hoạch và giải pháp giảm thiểu TNGT. Bên tuyên truyền, sự vào cuộc của địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu TNGT.

Trao đổi về vấn đề này, TS Tom Carroll, đại diện tổ chức Vital Strategies, cho biết: “TNGT chủ yếu xảy ra bởi nguyên nhân như sử dụng rượu bia khi lái xe, vượt quá tốc độ khi điều khiển phương tiện, không chấp hành biển báo giao thông,… Đây đều là những nguyên nhân chủ quan, với các chiến dịch truyền thông được thực hiện hiệu quả, qua thời gian sẽ làm thay đổi những thói quen, hành vi xấu của người tham gia giao thông”.

Tuy nhiên, ông Tom Carroll cho rằng, cần xây dựng chiến lược cụ thể, tập trung vào lựa chọn các kênh truyền thông hiệu quả. Có thể sử dụng những phương tiện truyền thống hoặc mạng xã hội, quảng cáo ngoài trời, quan hệ công chúng, truyền thông lan truyền... Phải phân tích rõ những vấn đề về truyền thông, mục đích và xác định đối tượng để có thể đạt được kết quả mong muốn.

Có nhiều vấn đề xảy ra cùng một lúc, bởi vậy cần bóc tách đối tượng tuyên truyền để việc thay đổi nhận thức được hiệu quả hơn. Lựa chọn truyền thông với thói quen tiếp cận, có sự tương tác cao nhất đối với đối tượng truyền thông. Bên cạnh đó cần phân tích hành vi để có thể đưa ra những mức phạt phù hợp, phương thức tuyên truyền phù hợp hơn.

 

Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội việc thường xuyên rà soát, thay đổi và bổ sung quy định, luật pháp sao cho phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết đối với việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, TS Trần Hữu Minh

Lượt xem: 85
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết