Tuyển Việt Nam sau lời xin lỗi tiếp theo
Huấn luyện viên Kim Sang-sik xin lỗi và chỉ ra vấn đề khi tuyển Việt Nam không thắng tuyển Thái Lan, nhưng quan trọng là điều gì tiếp theo?
Khách quan và chủ quan
Trước trận đấu với tuyển Thái Lan tại LPBank Cup 2024 tối 10.9, huấn luyện viên Kim Sang-sik tuyên bố Đội tuyển Việt Nam “quyết tâm giành chiến thắng”. Thực tế trận đấu trên sân Mỹ Đình cho thấy, nói theo kiểu mạng xã hội là “có quyết tâm nhưng không đáng kể”.
Hãy kể ra những điều kiện khách quan để có thể ảnh hưởng đến đội tuyển Việt Nam? Những ảnh hưởng của hoàn lưu bão khiến đội không có thời gian tập trên sân, trận đấu giữa tuyển Nga và tuyển Thái Lan không tổ chức để có thể tìm hiểu và phân tích đối thủ, điều kiện thời tiết và sân bãi không ở mức hoàn hảo, cổ động viên không lấp đầy khán đài sân Mỹ Đình khiến động lực tinh thần không ở mức tốt nhất, các cầu thủ cũng chưa ở trạng thái tốt nhất khi mùa giải bóng đá trong nước chưa khởi tranh…
Mọi lý do khách quan đều đúng, đều có tác động nhất định đến đội tuyển. Còn nguyên nhân chủ quan là gì? So với trận gặp tuyển Nga, huấn luyện viên người Hàn Quốc chỉ giữ Văn Trường là nhân tố trẻ trong đội hình xuất phát (trung vệ Thanh Bình cũng trẻ nhưng anh đã là thành viên quan trọng ở đội tuyển), xung quanh là những đàn anh dày dạn kinh nghiệm.
Thế nhưng, màn thể hiện của đội tuyển trong hiệp 1 là gì? Có bàn thắng mở tỉ số ở phút 22 của trận đấu, nhưng ngay cả vậy, từ khi bắt đầu, đó không phải là cách thể hiện của một đội bóng quyết tâm chiến thắng. Như huấn luyện viên 47 tuổi nói sau trận, sơ đồ chiến thuật ông sử dụng là 3-4-3 có thiên hướng tấn công, nhưng cách vận hành thì hoàn toàn giống như 3-4-2-1 cho việc chờ phản công thì đúng hơn.
Và điều đáng nói là, đối mặt với tuyển Thái Lan nhưng lại không hẳn là tuyển Thái Lan, khi huấn luyện viên Ishii Masatada tung ra sân khá nhiều cầu thủ trẻ, trong các quyết định thay đổi nhân sự, huấn luyện viên người Nhật Bản cũng có sự xen kẽ giữa sức trẻ và kinh nghiệm.
Mặc dù nói là trẻ nhưng phải thấy rằng, các cầu thủ Thái Lan chơi chững chạc, tự tin, kỹ thuật cá nhân rất ổn trong điều kiện sân bãi, thời tiết không tốt. Nhưng vì họ trẻ, giới chuyên môn và người hâm mộ Việt Nam mong chờ cách đội nhà thể hiện mang tính tích cực hơn là cách nhập cuộc có phần dè dặt. Không gây sức ép tầm cao, cầu thủ đá cao nhất của tuyển Việt Nam là Tiến Linh cũng luôn bám sát vòng tròn giữa sân.
Có lẽ, tâm lý cũng là yếu tố quan trọng khiến tuyển Việt Nam không thể hiện đủ tốt, kể cả khi huấn luyện viên Kim Sang-sik đưa Hoàng Đức, Văn Thanh, Tuấn Hải, hay Vĩ Hào - cầu thủ trẻ đã thể hiện tốt khi vào sân ở trận gặp tuyển Nga.
Thêm lời xin lỗi
Thói quen của truyền thông, giới chuyên môn, bình luận viên và mạng xã hội là sớm đưa ra những lời khen quá đà chỉ sau màn thể hiện tốt ở một trận đấu nào đó. Để rồi, kết quả sau đó cũng là điều quen thuộc trong hơn 1 năm trở lại đây - sự thất vọng.
Cầu thủ trẻ của Thái Lan là sự khẳng định rằng, muốn phát triển và có tính tiếp nối, nền bóng đá phải có hệ thống từ khâu đào tạo. Kết quả là, kể cả những cầu thủ mới lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia như William Weidersjo, Korawich Tasa, hoặc cả nhân tố nhập tịch như Patrik Gustavsson - cầu thủ ghi bàn ấn định tỉ số, cũng chơi tốt, tự tin, thậm chí cũng có độ quái nhất định.
Huấn luyện viên Kim Sang-sik xin lỗi vì không thể giành chiến thắng. Người hâm mộ đã rất quen với điều này. Có thể, sẽ chưa có nhiều lời chỉ trích nhằm vào ông, nhưng cũng không quá sớm để nói về sức ép bắt đầu lớn lên giống Philippe Troussier, người tiền nhiệm thậm chí còn thắng 3 trong 4 trận đầu dẫn dắt tuyển Việt Nam.
Ông Kim cũng đã chỉ ra - hay nói chính xác là hiểu - vấn đề của cầu thủ Việt Nam là thể hình, thể lực. Nên, câu hỏi đặt ra là, sau lời xin lỗi vì không thắng, ông có cách nào để thay đổi thể lực của cầu thủ? Bản thân cầu thủ làm gì để cải thiện thể lực cho chính mình?