Văn học dịch thiếu ấn tượng
Việc các giải thưởng văn chương lớn để trống hạng mục văn học dịch được cho là điều hợp lý, bởi các tác phẩm xuất bản trong năm 2023 thiếu những yếu tố để chinh phục các chuyên gia cũng như độc giả thông thường.
Quy trình để tác phẩm văn học dịch có thể được vinh danh trải qua 3 bước. Đầu tiên, tác phẩm phải được các tổ chức và cá nhân đề cử lên các hội đồng văn học dịch. Sau đó, các ủy viên hội đồng sẽ đọc, thẩm định, chốt danh sách tác phẩm lọt vào chung khảo. Cuối cùng, ban chấp hành các hội nhà văn thảo luận, bỏ phiếu, nếu quá bán sẽ được trao giải thưởng.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Năm nay chỉ có một tác phẩm văn học dịch lọt vào chung khảo. Ban chấp hành thảo luận nhận thấy có nhiều lý do chưa thuyết phục nên quyết định để trống hạng mục này. Còn theo nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, do chưa có tác phẩm nổi bật, vượt trội nên Ban Chấp hành cũng để trống hạng mục văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội.
Bìa tập truyện ngắn "Truyện hư cấu" của văn hào J.L.Borges xuất bản trong năm 2023. |
Như vậy, về mặt quy trình, không có bất thường khi để trống hạng mục văn học dịch. Cũng giống như các hạng mục khác, tác phẩm văn học dịch có được trao giải hay không phụ thuộc vào trình độ kiến thức, thẩm mỹ của những người được giao việc xét chọn và tôn chỉ, mục đích mà các hội nhà văn theo đuổi.
Các tác phẩm văn học dịch được trao giải trong nhiều năm qua thường có một hoặc nhiều đặc điểm sau: Tác phẩm kinh điển, có tầm ảnh hưởng lớn của các nhà văn tên tuổi; có tính tiên phong, đại diện cho một lối viết, một trường phái nổi bật mới mẻ; giới thiệu triết lý, văn hóa đặc sắc của những miền đất còn xa lạ...
Năm nay, nhiều tác phẩm của các văn hào được dịch như: Albert Camus (Pháp, Giải Nobel Văn học năm 1957), Jorge Luis Borges (Argentina), Kurt Vonnegut, Philip Roth (Mỹ)... Song đây không phải lần đầu tiên tác phẩm của họ được giới thiệu ở Việt Nam. Một số tác phẩm của Bjørnstjerne Bjørnson (Na Uy, Giải Nobel Văn học năm 1903), William Butler Yeats (Ireland, Giải Nobel Văn học năm 1923)... nằm trong tủ sách “Trăm năm Nobel” do Công ty sách Đông A chủ trương xuất bản lần đầu tiên có sách in ở Việt Nam. Song phong cách của các nhà văn này không phù hợp với thị hiếu độc giả cũng như khả năng tác động đến văn chương Việt Nam đương đại.
Rõ ràng có khá nhiều tác phẩm văn học dịch đáng đọc được xuất bản năm nay, nhưng lại thiếu vắng tác phẩm tầm cỡ, mới mẻ, có tầm ảnh hưởng đến suy nghĩ, tư duy của người đọc, góp phần đổi mới lối viết của nhà văn Việt Nam như hiện tượng Gabriel Garcia Marquez (Colombia, Giải Nobel Văn học năm 1982) với tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” trước đây. Điều này có thể thay đổi trong năm tới khi có tác phẩm văn học dịch có giá trị hơn, ấn tượng hơn được xuất bản.
Sau cùng, cán cân văn học dịch vẫn nghiêng về các loại hình văn học có tính giải trí cao như: Lãng mạn, kỳ ảo, trinh thám... Những tác phẩm kiểu này dễ dịch, dễ đọc và... dễ bán. Vẫn biết với nhiều đơn vị đây là cách “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy tiềm lực đầu tư chuyển ngữ những tác phẩm “nặng ký" nhưng chưa chắc phù hợp với số đông. Đặt trong bối cảnh nhiều tác phẩm văn chương lớn vẫn chưa được dịch, hy vọng đơn vị xuất bản vẫn tiếp tục thực hiện những dự án dịch thuật, giúp người đọc và người viết mở mang tri thức, thẩm mỹ, lối viết.
HÀM ĐAN