VFF và hành động từ một giải thưởng
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) trao giải thưởng cho một trong những hoạt động của mình.
Đó là giải thưởng mang tên “Ghi nhận của Chủ tịch AFC dành cho bóng đá cộng đồng”. Mặc dù chỉ là hạng đồng nhưng rõ ràng, giải thưởng ghi nhận những gì VFF đã làm trong nỗ lực phát triển bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ hơn rằng, đây là bóng đá cộng đồng (Grassroots Football), chưa phải cấp độ bóng đá chuyên nghiệp (Professional Football).
Phát triển bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường, được FIFA đặc biệt quan tâm và lưu ý đến tính hiệu quả. Thông tin VFF kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tới 1.000 trường học thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước; hay Dự án bóng đá cộng đồng FFAV (hợp tác giữa VFF và Liên đoàn bóng đá Na Uy) - giành giải Dự án phong trào xuất sắc nhất châu Á, ở hơn 15 tỉnh, thành; hỗ trợ tổ chức các giải bóng đá phong trào dành cho trẻ em và học sinh, tăng đầu tư cho phát triển bóng đá phong trào đều cho thấy tín hiệu tích cực.
Những giải thưởng này đến ít ngày sau khi đội U17 Việt Nam giành vé dự vòng chung kết U17 châu Á vào năm sau, kết quả được giới chuyên môn nhận định là “điểm sáng”, hiếm hoi nhưng mang đến hy vọng, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay. Dù vậy, vấn đề đặt ra sẽ là tính liên tục, hay nói chính xác hơn là sự tiếp nối của các sự kiện. Những hành động tiếp theo sau mỗi sự kiện là gì?
Việc thúc đẩy phong trào có được duy trì thường xuyên hay những dụng cụ được cung cấp sẽ lại... cất vào kho? Rồi liệu trong mỗi lần sự kiện được tổ chức có thể tìm kiếm “viên ngọc thô” nào hay không?
Cũng như vậy, với đội U17, cơ hội được mở ra khi không chỉ một nửa số đội dự vòng chung kết châu Á sẽ được dự World Cup U17 mà FIFA còn liên tục tổ chức World Cup cho lứa tuổi này trong 5 năm liên tiếp (2025 đến 2029). Vậy, VFF sẽ làm gì để trao cơ hội rèn luyện nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ, cho cả các lứa kế cận?