Việt Nam đang thực hiện BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, có sự chia sẻ

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, với các nước khác, BHXH tuyệt đối thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng. Nhưng ở Việt Nam trước đây và bây giờ đang thực hiện BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, có sự chia sẻ.

Article thumbnail
Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp để phát triển người tham gia BHXH. Ảnh: CTV

Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra Dự án Luật BHXH (sửa đổi).

Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu sửa đổi luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Một trong những điểm mới đáng chú ý, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước (NSNN) đảm bảo.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động.

Đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo.

“Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan thông tin.

 

Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc.

Về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu, dự thảo quy định  theo hướng, giảm từ 20 năm xuống 15 năm.

“Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm”, ông Hoan nói.

Luật phải vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa có tính dự báo cao

Nêu lên một số vấn đề lớn về dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Về việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, theo ông Phong, trên cơ sở thống nhất sự cần thiết quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo luật mà Chính phủ trình.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, dành cho những người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm, nên không cần thiết bổ sung nội dung này vào dự án luật, mà cần sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi.

 Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, lần sửa đổi này cần quan tâm đến 2 vấn đề chính, đó là tăng độ bao phủ và các nhóm đối tượng để làm sao cho người dân có thời gian đóng BHXH ít cũng tham gia hệ thống an sinh được.

“Chính phủ cần tính toán mức hưởng của những người đóng ít thời gian có đảm bảo an sinh không? Trợ cấp hưu trí xã hội liên quan đến mức sống tối thiểu, hưu trí xã hội có được tính trên nền sàn an sinh gắn tối thiểu không?”, ông Doan nêu.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết, với các nước khác, BHXH tuyệt đối thực hiện theo nguyên tắc đóng- hưởng. Nhưng ở Việt Nam trước đây và bây giờ đang thực hiện BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng có sự chia sẻ. Và “câu chuyện” về chia sẻ sẽ giảm dần, yếu tố đóng hưởng sẽ tăng lên.

Việt Nam thực hiện theo 2 nguyên tắc trên vì chính sách BHXH được thực hiện đan xen với các chính sách kinh tế khác như: dân tộc miền núi, bình đẳng giới, người có công… song về lâu dài phải tách bạch rõ hơn.

Vẫn theo ông Sơn, liên quan đến khu vực miền núi, thực tiễn thực hiện chính sách BHXH, ngành BHXH cùng cấp ủy chính quyền các địa phương đã huy động nguồn hỗ trợ tặng sổ BHXH cho người dân.

“Sau mấy năm tặng sổ BHXH tổng kết lại, cơ bản sau tặng xong người dân… cất vào tủ, họ không có nguồn lực để đóng BHXH tiếp. Chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, phần còn lại người dân phải bỏ tiền ra, song kể cả hỗ trợ đến 50- 60% thì cũng khó duy trì tiếp được”, ông Sơn cho hay.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sửa Luật BHXH bám vào định hướng chính trị với 11 nhóm cải cách chính sách BHXH với mục tiêu xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Phát triển BHXH khó khăn rất nhiều bởi đại đa số tiền tham gia BHXH là của người dân, nên BHXH đã bao phủ được 38% lực lượng lao động là sự cố gắng rất lớn...”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Luật BHXH cần phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe của nhân dân dựa trên căn cứ khoa học, tính thực tiễn, cần tính toán kỹ lưỡng, cụ thể để có tính dự báo cao.

Theo bà, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi).