Xây cái đẹp, dẹp cái xấu trong văn học, nghệ thuật

Nhiều cơ quan, đơn vị, các hội văn học, nghệ thuật (VHNT) đã và đang tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới.

Đây là dịp để ghi nhận những thành tựu đạt được, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, thậm chí là tiêu cực đan xen trong VHNT; từ đó đưa ra các giải pháp để VHNT thực sự là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Văn học, nghệ thuật biến đổi sâu sắc

Với tư cách là một bộ phận đặc biệt tinh tế của văn hóa, chịu sự quy định của đời sống xã hội cho nên sự bùng nổ công nghệ, tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa về văn hóa đã làm biến đổi sâu sắc VHNT ở nước ta.

Lấy ví dụ từ tác động của khoa học công nghệ, nhất là internet đã phổ biến, lan truyền, nhân bản các tác phẩm VHNT “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” chưa từng thấy. Ngày nay, văn nghệ sĩ, nhà sản xuất chỉ cần phát hành sản phẩm trên không gian mạng là trực tiếp đến được với công chúng. Lượt xem, lượt chia sẻ, lượt tải tác phẩm có thể mang lại danh tiếng và tiền bạc, đủ sức nuôi sống văn nghệ sĩ. Đã có những video ca nhạc như “Bống bống bang bang” (Nhóm 365) đạt hơn nửa tỷ lượt xem; đa phần đều đạt trên dưới 200 triệu lượt xem. Công chúng dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là tức thì thưởng thức được sản phẩm. Mặt tích cực của khoa học công nghệ là mang đến cơ hội cho người sáng tạo lẫn công chúng trên nhiều phương diện, đặc biệt là tạo sự bình đẳng về sáng tác, phổ biến, thụ hưởng tác phẩm VHNT.

Tiết mục xiếc tại Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tháng 1-2021. Ảnh: THANH TÙNG 

Song, tác động không mong muốn ai cũng có thể thấy rõ là việc phát hành tác phẩm VHNT trên không gian mạng gây khó khăn cho công tác quản lý sản phẩm VHNT, ngăn ngừa các tác phẩm xấu độc. Mặc dù các cơ quan chức năng rất tích cực liên lạc, trao đổi, đề nghị các nền tảng xuyên biên giới lưu trữ, quảng bá VHNT gỡ bỏ những sản phẩm xấu độc trên Facebook, YouTube, TikTok, Netflix... nhưng cách làm này dẫu sao cũng chỉ là giải pháp tình thế, đòi hỏi tư duy quản lý mới.

Theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương: “Trong một lĩnh vực cụ thể là VHNT, tích cực và tiêu cực đan xen như hai mặt của tấm huy chương là điều dễ hiểu. Song khi đọc lại Nghị quyết 23, những yếu kém, khuyết điểm của VHNT được chỉ ra 15 năm trước không những không được khắc phục mà xu hướng phản văn hóa, lệch lạc trong đời sống VHNT có phần gia tăng rất đáng lo ngại”.

Nhiều văn nghệ sĩ, nhất là một bộ phận nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực giải trí bất chấp tất cả, cố làm sao đạt được danh tiếng, tiêu thụ được sản phẩm VHNT. Họ đề cao tự do sáng tạo nhưng lại xem nhẹ trách nhiệm công dân, kỷ cương xã hội, luật pháp Nhà nước. Thậm chí, khi bị dư luận phản ứng, nhiều người còn thách thức, mạnh miệng là vi phạm tự do sáng tạo. Nhiều văn nghệ sĩ ảo tưởng bản thân trở thành KOLs (những người dẫn dắt xu thế), đã phát ngôn và hành động thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng thiếu lành mạnh đến môi trường văn hóa. Mức xử phạt hiện nay chưa có tính răn đe, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể hơn thay vì chỉ là một bộ quy tắc ứng xử như hiện nay.

Biểu diễn văn nghệ dân gian tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG 

Đề cao vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước

Quan điểm, chủ trương của Đảng là luôn đề cao vai trò, vị trí của VHNT. Nhưng việc cụ thể hóa chủ trương thành thể chế, chính sách, hành động nhìn chung còn chậm, thiếu đổi mới, chưa đồng bộ nên chưa khơi thông nguồn lực phát triển VHNT, thậm chí còn là nguyên nhân khiến VHNT phát triển theo chiều hướng lệch lạc.

Từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, nhận thức của xã hội về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đã có những thay đổi tích cực. Trước đây, chức năng tuyên truyền, giáo dục, thẩm mỹ của VHNT được đề cao, còn chức năng kinh tế ít được chú ý đến. Vì vậy, nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư cho VHNT rất ít, phục vụ lễ lạt là chính. Quan điểm hiện nay có sự bổ sung, đó là: VHNT là “xương sống”, là nguồn lực của công nghiệp văn hóa (CNVH), hoàn toàn có thể mang lại doanh thu khổng lồ. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Đến năm 2018, các ngành CNVH tại Việt Nam đã chiếm 3,61% GDP, về đích sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra, nhỉnh hơn 0,5% so với tỷ lệ đóng góp của các ngành CNVH sáng tạo vào GDP thế giới được UNESCO công bố vào tháng 2-2022. Trong đó, đóng góp của nhiều chuyên ngành VHNT là rất đáng kể. Mặt khác, sản phẩm VHNT trở thành sản phẩm CNVH đã góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành “sức mạnh mềm”, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các chuyên ngành VHNT không phát triển đồng đều, một số thành phần như văn nghệ dân gian chắc chắn phải trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nếu không muốn bị mai một. Từ đây, vấn đề lớn nhất, có tính bao trùm là xác định rõ vai trò của Nhà nước đối với VHNT, đó là dẫn dắt, kiến tạo chứ không làm thay.

Tại Hội thảo văn hóa 2022 vừa diễn ra, các chuyên gia, nhà quản lý cơ bản đã thống nhất cần tăng mức đầu tư cho VHNT ở những lĩnh vực khó huy động nguồn lực xã hội hóa. Tỉnh Bắc Ninh đang cân nhắc có nên sáp nhập các nhà hát truyền thống hay không. Là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nói vui là “nhà có điều kiện”, việc sáp nhập các nhà hát tiết kiệm ngân sách không được bao nhiêu nhưng có thể sẽ tác động không tốt đến việc giữ gìn, phát huy văn nghệ truyền thống. Ở các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, đời sống còn khó khăn, vẫn cần ngân sách nhà nước để các đội văn nghệ, chiếu bóng lưu động phục vụ đời sống tinh thần bà con, nhằm bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực văn hóa, không ai bị bỏ lại phía sau.  

Biểu diễn ca trù tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG 

Tất nhiên cách thức đầu tư, sử dụng nguồn ngân sách quý báu của Nhà nước cho VHNT cũng cần phải đổi mới, đa dạng hóa. Chẳng hạn, để thực hiện một bộ phim bằng ngân sách nhà nước thì nên tập trung nguồn vốn lớn thực hiện cho “ra đầu ra đũa”, thay vì chia đều nhỏ giọt, tránh tình trạng kinh phí ít (nhất là không có kinh phí quảng bá) nhưng lại đòi hỏi hoành tráng, tạo hiệu ứng sâu rộng. Mặt khác, hoàn toàn có thể “mở thầu” lựa chọn nhà sản xuất, đơn vị quảng cáo, phát hành chứ không nên giao khoán; có vậy mới tăng được trách nhiệm đơn vị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng tiếp cận công chúng.

Với những chuyên ngành mũi nhọn như điện ảnh, âm nhạc..., cần ban hành các thể chế, chính sách đồng bộ để huy động nguồn vốn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tạo nên bước đột phá cho CNVH. Trước mắt, hoàn toàn có thể sử dụng kinh phí nhà nước làm “vốn mồi” theo hình thức hợp tác công-tư, điển hình như thành công về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (năm 2015).

VHNT muốn phát triển phụ thuộc lớn vào vấn đề tài năng cá nhân. Chính vì vậy, đổi mới giáo dục VHNT trong nhà trường, tạo điều kiện cho các không gian VHNT, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng VHNT của tư nhân là rất quan trọng. Trên cơ sở “gạn đục khơi trong”, tiếp thu các hạt nhân hợp lý về quan điểm, lý thuyết VHNT thế giới, góp phần thay đổi tư duy, năng lực sáng tạo của giới văn nghệ sĩ. Khía cạnh giáo dục đạo đức, luật pháp để văn nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm với xã hội, hiểu rõ về bản chất của tự do sáng tác trong hoạt động VHNT cũng cần được đề cao.

Không ai phủ nhận tính tự trị nhất định của VHNT. Song càng như vậy càng cần tăng cường quản lý, đi cùng với đó là quan tâm đầu tư mới có thể lành mạnh hóa đời sống VHNT, tạo nền tảng ra đời nhiều tác phẩm lớn xứng tầm thời đại. Theo lẽ tự nhiên, khi chúng ta thực chất xây dựng một nền VHNT mang đậm giá trị chân, thiện, mỹ thì cái xấu độc trong VHNT cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết