Chú trọng bản sắc nơi chốn trong kiến trúc

Giữ gìn và phát huy bản sắc nơi chốn là điều mà bất cứ bản thiết kế công trình hay quy hoạch đô thị và nông thôn nào cũng cần lưu ý.

Ngoài những giá trị tinh thần, nếu biết tạo lập và khai thác, bản sắc nơi chốn sẽ tạo ra nhiều lợi ích kinh tế bền vững. Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, kiến trúc sư (KTS) Vũ Hiệp.

Nguy cơ "đồng phục" kiến trúc 

Phóng viên (PV): Quan sát các công trình, địa điểm, cảnh quan được dựng lên trong nhiều năm qua, rất dễ nhận ra tình trạng na ná nhau, thiếu vắng bản sắc vùng miền, văn hóa, kết nối với người dân. Ông nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

KTS Vũ Hiệp: Thực trạng này diễn ra từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng cho đến ven biển, miền núi. Ví dụ như ở nông thôn, dư luận đã nói nhiều về việc xây dựng theo mô thức công trình ở thành phố không phù hợp với cảnh quan cũng như sinh hoạt ở nông thôn, chẳng hạn dạng “nhà ống” bắt chước thành thị. Còn ở thành phố, nhiều công trình hiện đại, hào nhoáng nhưng thiếu sự sống gắn kết con người với nơi ở.

PV: Trên thế giới và ở Việt Nam, có hướng nghiên cứu nào để giải quyết vấn đề thiếu bản sắc trong kiến trúc, thưa ông?

Kiến trúc sư Vũ Hiệp. 

KTS Vũ Hiệp: Vấn đề bản sắc trong kiến trúc đã được nhiều người nghiên cứu từ cách đây mấy chục năm. Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, sự phát triển bùng nổ của việc xây dựng những khu nhà ở nhằm tái thiết các đô thị cũng như sự thống trị của chủ nghĩa hiện đại khiến những đặc trưng riêng của mỗi đô thị ngày càng bị lu mờ. Các nhà nghiên cứu đã phát triển lý thuyết "nơi chốn", đặt tiêu cự vào những yếu tố phi vật thể của không gian sống. Chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của một nơi chốn chính là cảm xúc và tinh thần mà con người thấy được từ nơi chốn đó hơn là vị trí và chức năng của nó. Người ta gọi đó là các khái niệm như tinh thần nơi chốn, tâm hồn nơi chốn, ý thức nơi chốn, cảm giác nơi chốn, nôm na là khí chất vô hình của nơi chốn. 

Lý thuyết này nhằm nhìn nhận đô thị theo góc độ tinh thần, cảm xúc, không phải về kinh tế, kỹ thuật như các bản đồ án quy hoạch thường vẽ. Cách tiếp cận cho thấy là cách tiếp cận từ dưới lên, từ con người, cuộc sống... Thông thường, cách tiếp cận của các nhà quy hoạch là từ trên xuống dựa theo các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật. Cách tiếp cận nào cũng có vai trò của nó. Nhưng nói về nơi chốn và bản sắc nơi chốn, ta thấy rằng cách tiếp cận từ dưới lên phù hợp hơn.

PV: Ông có thể diễn giải cụ thể khi áp dụng lý thuyết nơi chốn đã tạo ra hiệu quả ra sao?

KTS Vũ Hiệp: Từ “place” trong tiếng Anh dịch sang tiếng Việt có thể là “nơi chốn” hay “địa điểm”. Một khi chúng ta chỉ hướng tiêu cự vào phần vật thể của tòa nhà, quảng trường, đường giao thông thì đó là địa điểm. Còn khi ta tập trung vào yếu tố phi vật thể như văn hóa, cộng đồng, bản sắc của nó thì người ta gọi là nơi chốn.

Tinh thần của một nơi chốn, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thời gian (lịch sử) và không gian (trạng thái xã hội), có sự vun đắp thụ động cũng như kiến tạo chủ động. Như TP Oxford (Anh) được gọi là thành phố của giáo dục vì có lịch sử hàng trăm năm, gắn với trường đại học cổ kính và danh tiếng hàng đầu châu Âu và thế giới. Những người quản lý thành phố, họ cũng biết được những thế mạnh của mình cho nên họ mới nhấn mạnh về thương hiệu “Thành phố giáo dục”.

Một ví dụ khác, Paris (Pháp) được gọi là "Kinh đô ánh sáng", thực ra danh xưng này không phải có từ khi thành phố ra đời. Theo nghĩa bóng, Paris tập trung vào các nhà triết học, nghệ sĩ sáng tạo trở thành một trung tâm văn hóa của thế giới, có khả năng lan tỏa ảnh hưởng đến nơi khác theo tư tưởng “khai sáng”. Nhưng danh xưng “ánh sáng” lại ra đời từ một hoàn cảnh rất cụ thể. Trong cuộc tái thiết TP Paris cuối thế kỷ 19, lúc này, thành phố có rất nhiều "khu ổ chuột", tội phạm và tệ nạn xã hội rất phổ biến nên họ thắp rất nhiều đèn chiếu sáng. Thời đó, đây là một hiện tượng rất lạ, đặc biệt rất đẹp về đêm nên từ đó gọi là “Thành phố ánh sáng”.

Ở Việt Nam, chúng ta hay gọi Sa Pa là “Thành phố mờ sương” hay Đà Lạt là “Thành phố ngàn hoa”... Tất cả những điều đó là chúng ta nhấn mạnh một đặc điểm nào đấy của nơi chốn rất nổi trội, đặc biệt thì tạo nên bản sắc đặc biệt của nó so với địa điểm khác.

PV: Theo ông, yếu tố nào tạo nên bản sắc của nơi chốn?

KTS Vũ Hiệp: Về bản sắc của nơi chốn, các nhà nghiên cứu tổng kết lại với ba yếu tố.

Thứ nhất, yếu tố vật lý. Bao gồm hình dạng kiến trúc của các tòa nhà (như khu phố Pháp ở Hà Nội), những vùng đất có đặc trưng về địa hình, khí hậu (như Đà Lạt có 4 mùa trong một ngày).

Thứ hai, các hoạt động. Cụ thể ở đó có những hoạt động đặc trưng. TP Cannes (Pháp) gắn với liên hoan phim quốc tế nổi tiếng, thành phố Milan (Italia) là trung tâm của thời trang. Một thành phố cảng như Hải Phòng sẽ có sắc thái nơi chốn khác với một đô thị nghỉ dưỡng như Tam Đảo. Hoặc hoạt động nông nghiệp sẽ tạo ra nét đặc sắc của phong cảnh làng quê: Cây đa để nghỉ mát khi làm đồng, giếng nước để giặt đồ, mái đình để tụ họp dân làng.

Thứ ba, là ý nghĩa. Nơi chốn được cảm nhận ở văn hóa, lịch sử, tính biểu tượng, tính cách của cư dân, chẳng hạn có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, “Hải Phòng không lòng vòng”, “anh Hai Sài Gòn”...

Quan niệm tinh thần nơi chốn, bản sắc nơi chốn, người Việt Nam đã cảm nhận rất rõ nhưng không đúc kết và khái quát thành lý thuyết. Chế Lan Viên có câu thơ bất hủ “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Nguyễn Đình Thi viết về Hà Nội: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.

Một trong những biểu hiện rõ nhất của tinh thần nơi chốn mà ai cũng biết là thuật phong thủy. Ngoại trừ những yếu tố huyền thuật, phong thủy cho ta thấy góc nhìn của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng. Trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn có đoạn: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Đọc đoạn này có thể thấy thành Đại La được chọn làm kinh đô vì có cả ba yếu tố kể trên.

Cầu Rồng góp phần làm nổi bật thương hiệu "Thành phố của những cây cầu" của Đà Nẵng. Ảnh: MINH LƯƠNG  

Bản sắc nơi chốn mang lại nhiều lợi ích thiết thực

PV: Giới KTS và các bên có liên quan đã sử dụng thành quả nghiên cứu về nơi chốn để ứng dụng ra sao, thưa ông?

KTS Vũ Hiệp: Lý thuyết nơi chốn đã và đang được sử dụng trong việc thiết kế xây dựng và quản lý các địa điểm.

Đó là sự tham gia của cộng đồng trong một dự án. Bởi vì cộng đồng mới chính là nhân tố quyết định tạo nên bản sắc nơi chốn. Việc tham gia của cộng đồng cư dân ở vai trò phải có sự dẫn dắt của chuyên gia và người quản lý.

Thông thường, sau khi tạo ra một thiết kế, quy hoạch, rồi trưng ra lấy ý kiến của các cộng đồng cư dân vẫn là tiếp cận từ trên xuống. Nếu ứng dụng lý thuyết về nơi chốn thì khác. Người dân phải tham gia ngay từ đầu và cùng thực hiện dự án. Ví dụ dự án nghệ thuật cộng đồng ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là cách tiếp cận từ dưới lên, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ hai, lý thuyết nơi chốn đã góp phần rất quan trọng để tạo dựng nên thương hiệu nơi chốn, thương hiệu của các vùng đất... Ở Việt Nam đang bước đầu làm tốt điều này. Chẳng hạn, Đà Lạt đã và đang tạo dựng thương hiệu “Thành phố âm nhạc”... Trong tương lai, có thể xây dựng Phú Quốc là nơi chốn tổ chức đám cưới của giới siêu giàu. Ngoài ra, thương hiệu của các làng nghề đã được ông cha ta xây dựng từ lâu cũng là một biểu hiện thú vị của việc kiến tạo nơi chốn ở Việt Nam.

PV: Ở nước ta hiện nay, trong kiến trúc quy hoạch chú trọng về vấn đề bản sắc, theo ông thì cần những giải pháp gì?

KTS Vũ Hiệp: Theo tôi, có hai giải pháp chính. Thứ nhất là nâng cao nhận thức của các bên liên quan: Người dân, chủ đầu tư, nhà quản lý. Phổ biến kiến thức về nơi chốn để mọi người nhận thấy rằng: Sống động nhất của các địa điểm, không gian chính là yếu tố văn hóa, con người, những yếu tố phi vật thể. Và chính những yếu tố đó sẽ góp phần rất quan trọng để tạo nên thương hiệu nơi chốn. Rồi chính những thương hiệu ấy sẽ lại giúp chúng ta phát triển kinh tế bền vững hơn.

Thứ hai, là cơ chế quản lý. Làm sao phải tăng vai trò của người dân lên. Thiết kế quy hoạch từ trên xuống và từ dưới lên, cùng phối hợp với nhau. Mấu chốt con người vẫn là trung tâm của sự phát triển, kiến trúc quy hoạch chung quy vẫn là vì sự phát triển của con người.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Tags: kiến trúc
Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết