Kiến trúc Việt Nam phát triển đúng hướng, khởi sắc

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 được trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam (27-4-1948 / 27-4-2023), chào mừng Ngày Kiến trúc Việt Nam (27-4).

Các công trình, tác phẩm đoạt giải tiếp tục góp phần định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và nâng cao nhận thức cộng đồng về nghệ thuật kiến trúc. Để tìm hiểu về giải thưởng lần này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với KTS Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng chung khảo giải thưởng.

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết giải thưởng lần này có điểm gì mới và đâu là điểm đáng chú ý?

KTS Đặng Kim Khôi: Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 nhận được 226 tác phẩm, công trình tham dự. Đây là số lượng lớn nhất trong số các kỳ giải thưởng từ trước đến nay. Các tác phẩm, công trình dự thi đều là các công trình tiêu biểu, đa dạng về thể loại, từ công trình nhà ở, nội-ngoại thất cho đến công trình lý luận phê bình.

Kiến trúc sư Đặng Kim Khôi. 

Ở các kỳ giải thưởng trước, có những thể loại thiếu vắng tác phẩm dự thi nhưng lần này, thể loại nào cũng đầy ắp tác phẩm tranh tài. Ngoài ra rất đa dạng về chủ đầu tư, nguồn vốn đầu tư, trải rộng nhiều vùng, miền...

Tất cả những điều này vô hình trung tạo áp lực cho Hội đồng chung khảo phải chọn đúng, tôn vinh xứng đáng theo các tiêu chí đã đề ra. Bởi lẽ, giải thưởng phải đánh giá đúng công sức sáng tạo của đồng nghiệp. Đồng thời, tác phẩm đoạt giải phải có tính lan tỏa cộng đồng. Trách nhiệm của Hội đồng là phải chọn đúng, nếu chọn sai thì tính định hướng sẽ bị lệch.

Giải thưởng lần này không còn hạng mục giải thưởng Công trình do các KTS nước ngoài thiết kế. Bởi lẽ theo thời gian, khoảng cách về  trình độ thiết kế, sáng tạo giữa KTS trong nước và nước ngoài ngày càng thu hẹp.

PV: Những tiêu chí cụ thể nào mà Hội đồng chung khảo giải thưởng dựa vào trong lựa chọn tác phẩm đoạt giải, thưa ông?

KTS Đặng Kim Khôi: Có 4 tiêu chí chính được đề cao, đó là: Ý tưởng thiết kế mới mẻ, sáng tạo theo chiều hướng tiên tiến, hiện đại; chú trọng bản sắc bản địa, ý nghĩa văn hóa-xã hội; khuyến khích sáng tạo theo tiêu chí kiến trúc xanh của Việt Nam và thế giới; tác phẩm có tính chất lan tỏa, góp phần định hướng kiến trúc Việt Nam.

Trụ sở làm việc khối các cơ quan, đoàn thể tỉnh Cao Bằng đoạt giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023.

Ảnh do Hội Kiến trúc sư Việt Nam cung cấp 

Hội đồng chung khảo cho rằng, 4 tiêu chí trên khá bao quát và đầy đủ. Chúng tôi nhận định, tiêu chí quan trọng nhất vẫn là tác phẩm phải giàu sức sáng tạo, phải mới mẻ, theo chiều hướng tiến bộ, hiện đại vì bản chất nghề kiến trúc là một nghề sáng tạo. Với mỗi thể loại sẽ có tiêu chí sáng tạo khác nhau, ví dụ kiến trúc công cộng phải đặc biệt chú ý kỹ thuật, công nghệ, không gian, ánh sáng, sử dụng vật liệu... Có những yếu tố định tính như yếu tố về bản sắc bản địa, yếu tố về kiến trúc xanh (kiến trúc bền vững) là định lượng thì phải có các giải pháp cụ thể, đạt được những chứng chỉ về công trình bền vững. Tính lan tỏa cộng đồng thì phải xem xét hiệu ứng thực tế của các công trình sau khi đã xây dựng. Có những công trình mọi người thấy đóng góp cho cộng đồng rất tốt, ví dụ như có tác giả cả đời chỉ xoay quanh các công trình trường học cho các vùng sâu, vùng xa, kiến trúc đơn giản nhưng lại giúp cộng đồng có chỗ ở, mang đủ bản sắc bản địa thì rất đáng trao giải. Hoặc những công trình là những địa điểm check-in, làm cho cả một vùng cảm thấy tự hào, góp phần phát triển du lịch thì chắc chắn Hội đồng chung khảo phải đặc biệt lưu tâm.

PV: Có một số tác phẩm tham dự và đoạt giải lần này là các trụ sở. Thông thường kiến trúc các trụ sở sẽ có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội. Ông có cho rằng sẽ có một “làn sóng” kiến trúc trụ sở giàu tính sáng tạo trong thời gian tới?

KTS Đặng Kim Khôi: Trụ sở ở đây bao gồm tòa nhà của tư nhân và công sở. Tòa nhà tư nhân về cơ bản đều thiết kế sáng tạo và hiện đại. Nếu có dịp tham quan các công sở trên khắp cả nước sẽ thấy không ít tòa nhà bề thế nhưng đầy rẫy nhược điểm về thiết kế, công năng sử dụng, rườm rà chi tiết... Điều đáng mừng là gần đây, nhiều công sở đã được thiết kế hiện đại, tạo điểm nhấn kiến trúc cho địa phương. Đơn cử ở giải thưởng lần này, trụ sở làm việc khối các cơ quan, đoàn thể tỉnh Cao Bằng (thể loại kiến trúc công cộng) đoạt giải bạc. Đầu tiên là phải khen ngợi chủ đầu tư dám làm một công trình hiện đại, không đi theo những dòng kiến trúc ổn định, cổ điển. Các KTS thiết kế công trình này hoàn toàn hiện đại, tuy không thật sự xuất sắc nhưng công năng chấp nhận được, gắn được với quy hoạch tổng thể. Hội đồng chung khảo tôn vinh công sở ở một tỉnh miền núi như Cao Bằng là muốn truyền đi thông điệp cho nhiều địa phương khác cần tham khảo, mạnh dạn đi theo những thiết kế kiến trúc mới.

PV: Ngày càng có nhiều công trình chất lượng, sáng tạo tham dự Giải thưởng Kiến trúc quốc gia, ông có cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của kiến trúc Việt Nam?

KTS Đặng Kim Khôi: Kiến trúc phản ánh tình hình kinh tế-xã hội rất rõ. Ai cũng biết kinh tế phát triển, bảo đảm ăn ngon, mặc đẹp rồi mới bắt đầu nghĩ tới làm nhà sang, nhà đẹp, bề thế. Đồng thời, dân trí cũng được nâng cao, các chủ đầu tư mới chú ý đến sự sáng tạo, thẩm mỹ, tiết kiệm năng lượng... Có thể nói, môi trường cho kiến trúc phát triển chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ.

Thông qua Giải thưởng Kiến trúc quốc gia có thể thấy, xu hướng kiến trúc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới. Bên cạnh chủ đầu tư ngày càng có điều kiện, gu thẩm mỹ, các KTS được đào tạo bài bản, chuyên sâu, không ngừng sáng tạo, tích cực học hỏi, xây đắp trình độ cao hơn. Nền kiến trúc Việt Nam đang phát triển đúng hướng, tích cực với việc giảm thiểu các công trình “nệ cổ”, thay thế vào đó là những công trình mới, hiện đại, chú trọng đến không gian.

PV: Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022-2023 là giải thưởng lần thứ 15 được tổ chức. Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, sức lan tỏa đến cộng đồng của giải thưởng chưa sâu rộng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

KTS Đặng Kim Khôi: Giải thưởng Kiến trúc quốc gia được phát động, lan tỏa trong giới KTS rất tích cực, qua các lần tổ chức, số lượng tác phẩm gửi về dự thi năm sau cao hơn năm trước. Sức hút của giải thưởng không nằm ở giá trị vật chất mà là uy tín nghề nghiệp, chuyên môn rất cao. Giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ hai năm một lần, do Hội KTS Việt Nam; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là giải thưởng kiến trúc chính thống của Nhà nước, là cơ sở để Nhà nước xem xét, trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Chính vì vậy, KTS, văn phòng kiến trúc nào đoạt giải đều cảm thấy vinh dự, tự hào; tạo dựng thương hiệu tốt, tất yếu công việc “tìm đến” nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều chúng tôi mong muốn là không chỉ giới KTS quan tâm mà phải hướng đến chủ đầu tư nói riêng và người dân nói chung biết đến giải thưởng nhiều hơn. Vấn đề truyền thông giải thưởng, Hội KTS Việt Nam đánh giá là thực hiện chưa tốt. Truyền thông về giải thưởng lần này tốt hơn những lần trước nhưng chủ yếu đều đăng tải trên các ấn phẩm, phương tiện truyền thông của Hội. Thời gian tới, chúng tôi hy vọng các chủ đầu tư, KTS nỗ lực tự truyền thông về giải thưởng đạt được. Đồng thời, khuyến khích các hội và chi hội KTS các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá Giải thưởng Kiến trúc quốc gia, cũng như tích cực tổ chức các hoạt động để nâng cao nhận thức của cộng đồng về kiến trúc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 Hội KTS Việt Nam vừa tổng kết và trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15 (2022-2023), với 5 giải vàng, 18 giải bạc, 34 giải đồng và 1 giải thưởng cho tác phẩm được cộng đồng yêu thích và bình chọn nhiều nhất. 5 giải vàng thuộc về: “Trụ sở chính Viettel”, “Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh”, “Trung tâm gốm Bát Tràng”, “Thiết kế cảnh quan Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort”, “Quy hoạch chung TP Sóc Trăng đến năm 2035 và tầm nhìn 2050”.

 

Tags: kiến trúc
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết