Xu hướng cửa hàng không nhân viên ở Hàn Quốc
Anh Choi Seung-hoon, 32 tuổi, gần đây đã có một trải nghiệm thú vị. Đó là mua suất sashimi mang về ăn tối ở Sea Fridge, một cửa hàng sashimi không người phục vụ gần ga Sangwangsimni, trung tâm Seoul.
“Tại đây, tôi có thể mua sashimi mà không cần đến chợ hải sản hay nhà hàng bán cá sống”, anh Choi Seung-hoon chia sẻ với The Korea Herald khi nói về cửa hàng sashimi không người phục vụ.
Cửa hàng bán lẻ không có nhân viên đã phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát của Cơ quan Cứu hỏa quốc gia Hàn Quốc từ năm 2022 đến 2023 cho thấy, có ít nhất 6.300 cửa hàng không có nhân viên tại nước này. Gần đây, mô hình này đã được mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm. Các doanh nhân trẻ đã áp dụng mô hình cửa hàng không nhân viên trong các lĩnh vực truyền thống như chợ cá và cửa hàng bán thịt, quần áo và sản phẩm dành cho thú cưng.
Một khách hàng tại cửa hàng sashimi không có nhân viên Sea Fridge. Ảnh: The Korea Herald |
Anh Kang Dong-yoon, 34 tuổi, điều hành 3 cửa hàng Sea Fridge cho biết, để cạnh tranh với các nhà hàng sashimi truyền thống, các cửa hàng không có nhân viên phải bảo đảm độ tươi ngon của sashimi. Cô Lee So-in, 34 tuổi, một chủ cửa hàng quần áo, cho biết lợi ích chính của việc bán lẻ tự phục vụ là tính linh hoạt với người bán trong việc quản lý thời gian. Đầu năm 2023, cô mở một cửa hàng ở thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi với một nhân viên là chính cô. Vào mùa hè, nơi đó trở thành một cửa hàng không có nhân viên vì Lee So-in bận rộn chăm sóc con cái. Hiện tại, cô Lee So-in chỉ làm việc tại cửa hàng mỗi tuần một lần để bổ sung quần áo và phụ kiện. Việc chuyển đổi hình thức kinh doanh không tác động đáng kể đến doanh số bán hàng.
Theo một cuộc khảo sát với 1.000 người tham gia do công ty nghiên cứu Embrain thực hiện, 71,9% số người được hỏi cho biết họ đã ghé các cửa hàng không có nhân viên. Trong số đó, khoảng 80% bày tỏ sẵn sàng quay lại cửa hàng như vậy lần nữa. Lý do chính cho phản ứng này là họ không có nhu cầu tương tác với nhân viên phục vụ.
TÚ ANH