Xử lý vi phạm đi vào làn khẩn cấp: Không chỉ là ra quân

Chỉ ít ngày sau khi cảnh sát giao thông ra quân xử lý vi phạm đi vào làn khẩn cấp tại Vành đai 3 trên cao, hiện tượng cố tình lấn làn vượt ẩu giảm mạnh. Dư luận Nhân dân bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với việc tăng cường xử phạt nghiêm vi phạm giao thông.

Lực lượng thuộc Cục CSGT và Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3.  

Suốt một thời gian dài, lực lượng chức năng đã viện dẫn nhiều lý do để giải thích tình trạng xe ô tô ngang nhiên nối nhau đi vào làn khẩn cấp, gây mất trật tự, ATGT tại đường Vành đai 3 trên cao. Nhưng trước thực trạng ngày càng lộn xộn, nỗi bức xúc của người dân tăng cao, vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an, Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã huy động lực lượng tuần tra liên tục, ghi hình xử phạt vi phạm này.

Thực tế cho thấy, chỉ vài ngày ra quân, CSGT đã tạo nên áp lực rất lớn, buộc các tài xế xưa nay quen chạy ẩu phải đi đúng hàng lối, nền nếp. Ý thức của người tham gia giao thông qua đó cũng dần hình thành. Điều quan trọng hơn là dư luận Nhân dân đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với việc làm đúng, làm nghiêm của CSGT.

Hà Nội đang phải đối diện với vấn nạn ùn tắc giao thông, đặc biệt trong khu vực nội thành. Một trong những nguyên nhân chính khiến ùn tắc diễn biến phức tạp là ý thức của bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông quá kém, hành vi phạm luật, nhờn luật diễn ra phổ biến.

Vẫn biết với một TP hơn 8 triệu dân, chỉ với chưa đến 2.000 CSGT là quá ít ỏi, áp lực công việc của cán bộ, chiến sĩ vô cùng lớn. Nhưng việc hình thành tập quán xấu vi phạm giao thông trong người dân cũng có phần lỗi từ việc tuần tra, xử phạt không hiệu quả. Nhìn vào thực tế trên tuyến cao tốc đô thị Vành đai 3 những ngày qua có thể khẳng định, nếu CSGT làm nghiêm, làm đúng, vi phạm giao thông sẽ hạn chế rất nhiều.

Cùng tại một khu vực, có thể thấy ngay hai hình ảnh trái ngược. Xung quanh nút giao Vành đai 3 - Nguyễn Trãi, đường trên cao dù ùn tắc, xe cộ vẫn ngay hàng thẳng lối vì có CSGT tuần tra, xử phạt. Bên dưới thì lộn xộn kéo dài, xe máy vượt dải phân cách, lấn làn bủa vây ô tô; ô tô dừng đỗ gây cản trở giao thông tại làn dành cho xe buýt, xe máy, lý do chính là chưa có ai xử phạt.

Xử phạt vi phạm là chuyện cực chẳng đã, là biện pháp mạnh buộc phải dùng khi tuyên truyền không mang lại hiệu quả. Nhưng mặt khác, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông không thể có hiệu quả nếu thiếu đi các biện pháp cứng rắn. Xử phạt nghiêm minh chính là một trong những giải pháp để tạo nền nếp, xây dựng văn hóa giao thông cho cộng đồng xã hội.

Quốc hội đã đồng thuận sửa luật, tăng nặng mức phạt, Chính phủ, các bộ, ngành đã làm mọi cách để cụ thể hóa luật, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho việc xử phạt. Hiệu quả cuối cùng phải trông chờ vào công tác trên thực địa của CSGT. Người dân rất ủng hộ lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT làm đúng, làm nghiêm. Đồng thời cũng mong mỏi những chiến dịch ra quân rầm rộ, những cam kết duy trì xử phạt vi phạm không đứt quãng, chìm nghỉm sau một thời gian “tiền hô hậu ủng” như nhiều lần trước.

Duy trì xử lý nghiêm vi phạm vừa giúp ổn định trật tự, ATGT, được người dân hoan nghênh, góp phần tích cực xây dựng văn hóa giao thông; lại vừa có tác dụng giảm bớt những khó khăn vất vả hàng ngày cho lực lượng CSGT. Chắc chắn sau một thời gian kiên trì vừa tuyên truyền, vừa xử phạt, văn hóa giao thông sẽ được bồi đắp, ý thức của người dân sẽ được hình thành nề nếp nghiêm chỉnh. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là CSGT cũng như các lực lượng khác phải có đầy đủ quyết tâm, sự bền bỉ và nỗ lực, không “đánh trống bỏ dùi”, khiến căn bệnh vi phạm giao thông ngày càng nặng nề hơn.

Lượt xem: 43
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.