Xuất khẩu gỗ khởi sắc: Những mục tiêu và chiến lược dài hạn
Hiện tại, nhiều công ty trong ngành gỗ đã nhận đơn hàng xuất khẩu sang EU tới hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp tục nhận đơn hàng trong quý IV/2022.
Xuất khẩu gỗ sang EU đạt 71,3 triệu USD
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, tháng 3/2022 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường EU đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với tháng 3/2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU vẫn tăng khá trong những tháng đầu năm. Trong đó, 2 tháng đầu năm, đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng chính xuất khẩu sang thị trường này đạt 104,3 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 82% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu sang thị trường EU đều có kim ngạch tăng trong 2 tháng đầu năm 2022, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng. Nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ là những dòng sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao, do đó các doanh nghiệp ngành gỗ đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường EU.
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2022, gỗ, ván và ván sàn, đồ gỗ mỹ nghệ, khung gương xuất khẩu sang thị trường EU tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU tăng trưởng khả quan, do sức mua tại thị trường này đang phục hồi tốt. Trong đó, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ đang có xu hướng tăng mạnh tại thị trường EU.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Đức luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam trong khối EU. Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 27 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Bỉ chiếm 10,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU, tốc độ tăng trưởng sang thị trường này đang ở mức cao.
Còn nhiều tiềm năng
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostats), trong năm 2021 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 8,6 triệu tấn, trị giá 22,6 triệu Eur (tương đương 25,3 triệu USD), tăng 23,4% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với năm 2020. Trong đó, EU nhập khẩu từ Việt Nam đạt 136,4 nghìn tấn, trị giá 492,5 triệu Eur (tương đương 551,6 triệu USD), tăng 3,6% về lượng, tăng 14,7% về trị giá so với năm 2020.
Tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng lượng nhập khẩu của EU trong năm 2021, vẫn còn rất thấp so với nhu cầu nhập khẩu của EU. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này.
Theo các chuyên gia trong ngành, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU được nhận định có nhiều thuận lợi trong thời gian tới. Trước tiên là cơ hội mang lại khi Trung Quốc - quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”. Theo đó, nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước này bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng ngày càng tăng, cộng với sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp ngành gỗ cần tận dụng triệt để những cơ hội này để gia tăng thị phần tại EU.
Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0%. Việc này cũng tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhận định, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), gần đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.
“Mặc dù đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến hết quý III/2022 và vẫn đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV này. Tuy nhiên, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao, nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị "ăn" vào lợi nhuận”, bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh Công ty Gỗ Minh Dương chia sẻ với báo Công Thương.
Khuyến nghị của chuyên gia
Các chuyên gia nhận định, mặc dù, có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU, nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cộng thêm những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang ảnh hưởng cho chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và chi phí logistics. Điều này sẽ làm cản đà tăng trưởng của ngành gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới.
Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Olivier Richard - Giám đốc Công ty Richard Négo Bois - một công ty cung gỗ nguyên liệu hàng đầu tại Pháp cho rằng, với tình trạng khan hàng và giá gỗ lên quá cao như hiện nay, các nhà sản xuất cần phải nắm bắt thời cơ kịp thời khi ký các đơn hàng nhập nguyên liệu đồng thời doanh nghiệp cũng nên tính tới phương án chuyển loại gỗ sử dụng để giảm áp lực về giá.
“Ví dụ như bạch đàn, hiện đang được nhiều công ty Indonesia sử dụng để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang EU. Hiện giá gỗ bạch đàn ở Việt Nam đang bị đẩy lên cao, nhiều doanh nghiệp Việt đang chần chừ. Một lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam là cần nhìn xa hơn”, ông Olivier Richard khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, sử dụng gỗ từ nguồn nguyên liệu trong nước cũng là bài toán các doanh nghiệp cần tính trong thời gian tới để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng trong tổng giá trị tiêu dùng đồ gỗ, nội thất toàn cầu nói chung và thị trường EU nói riêng. Song để khai thác hiệu quả các tiềm năng đó, các chuyên gia cho rằng, ngành phải nhanh chóng nâng cấp, cải tiến từng khâu và đẩy mạnh liên kết các mắt xích trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, đầu tư đúng mức cho các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cần chính sách hỗ trợ
Chia sẻ tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam, các vấn đề chiến lược và định hướng giải pháp phát triển đến năm 2030” được tổ chức đầu tháng 4/2022 vừa qua tại Tp.HCM, bà Đỗ Thị Thu Hương, chuyên gia Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, sự phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn vừa qua đang đặt ngành gỗ trước nhiều thách thức, như thiếu nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến và năng suất lao động hạn chế so với các quốc gia khác.
Do vậy, vị chuyên gia này kiến nghị Chính phủ cần ban hành các chính sách loại bỏ các nguồn cung rủi ro, tạo cơ hội cho việc phát triển rừng trồng trong nước, trực tiếp góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập quỹ cho doanh nghiệp vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đặc biệt phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, thân thiện với môi trường.
“Việc thành lập quỹ này có thể thực hiện thông qua việc trích một phần từ nguồn thu xuất khẩu; nghiên cứu cơ chế cho vay dựa trên tỷ lệ của thành tích xuất khẩu nếu doanh nghiệp có thực hiện đổi mới công nghệ, sản xuất theo hướng bền vững; quy chế cho vay công khai, minh bạch để các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận được”, bà Hương trao đổi với Báo Đầu tư.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Lâm Việt cho biết, sau giai đoạn dịch Covid-19, số lượng lao động tại Bình Dương giảm hơn 100.000 người, dẫn tới thiếu hụt khoảng 10%. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất, giảm phụ thuộc vào nhân công. Nhưng điều này chỉ thực hiện được với các nhà máy quy mô lớn, các doanh nghiệp FDI hoặc các nhà máy có tích lũy tài chính lớn, còn những nhà máy nhỏ thì rất khó. Do đó, rất cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp để đầu tư.
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Tavico cũng nêu ý kiến, do nguồn gỗ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để giảm chi phí vận chuyển, thì cần nhập khẩu lô hàng lớn. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi chuyến tàu lên tới 4-6 triệu USD. Do vậy, cần có hỗ trợ về tín dụng để doanh nghiệp có thể mua hàng bằng tàu lớn và thế chấp bằng chính hàng hóa đó.
Bàn về chiến lược phát triển dài hạn cho ngành gỗ, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, lâu nay, ngành gỗ ít nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Nếu được quan tâm hơn, ngành có thể phát triển mạnh hơn nữa. Theo đó, cần có các chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đồng thời mạnh dạn thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới.
Hương Anh (tổng hợp)