Chung sống yên bình với ung thư

Những tiến bộ trong điều trị bệnh ung thư đã chứng minh ung thư không phải là dấu chấm hết. Nhiều người bệnh đã tin tưởng và cùng đồng hành với bác sĩ để chiến đấu lại căn bệnh nan y này.

Trước đây, bệnh nhân ung thư thường điều trị lâu dài, chi phí tốn kém nhưng hiệu quả thấp, kèm theo bệnh là những biến chứng, đau đớn khiến bệnh nhân dễ bị ám ảnh, sợ hãi. Phần lớn trường hợp khi được chẩn đoán ung thư đều có sốc tâm lý, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, mất ăn mất ngủ, căng thẳng kéo dài, suy sụp tinh thần. Thế nhưng, với sự tiến bộ trong điều trị ung thư, rất nhiều bệnh nhân đã giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn của bác sĩ, kiên cường đối mặt với căn bệnh nan y.

Những “chiến binh” lạc quan trong quá trình điều trị bệnh ung thư tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. ẢNH: GIA THẮNG 

Bé H A, 15 tuổi ở Hà Nội, đã có 10 năm điều trị bệnh ung thư máu. Mang trong mình căn bệnh phải điều trị lâu dài nhưng chưa bao giờ A nản lòng. Vừa học tập, vừa điều trị nhưng A liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thậm chí, những môn thể thao đòi hỏi thể lực như bơi lội, đấu võ, A đều nhiệt tình tham gia thi đấu. Một trường hợp khác là H T D T, sinh năm 1987, tại Quỳ Hợp, Nghệ An, cô đã chiến đấu và điều trị ung thư máu được 18 năm. Tháng 9-2012, sau khi ghép tế bào gốc thành công tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, T dần phục hồi. Giờ đây T đã có được sức khỏe tốt, được làm những điều mình thích. T chia sẻ: “Trải qua nỗi sợ hãi khi biết mình bị ung thư, trải qua những đau đớn, mệt mỏi khi chiến đấu với căn bệnh đã giúp mình trân trọng từng giây phút được sống trong cuộc đời tươi đẹp này. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã đến nhưng chúng ta có quyền lựa chọn cách đối diện với nó”.

Tâm sự với phóng viên, anh V V T, 32 tuổi, ở Hưng Yên cho biết, 18 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, anh đã phải nhiều lần đối mặt với ranh giới sinh-tử. Sự kiên cường đó đã tạo thành niềm tin mãnh liệt trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư máu. Cùng với sự tư vấn, động viên của các bác sĩ, anh đã quyết định điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ em trai ruột của mình tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Trong quá trình điều trị, anh phải đối mặt với những đau đớn không tưởng tượng nổi khi trải qua hàng loạt tác dụng phụ của các biện pháp điều trị. Nhưng trước nỗ lực quyết tâm của các y, bác sĩ, trước hy vọng của cả gia đình, anh đã vững vàng vượt qua.

PGS, TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết: “Tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, mỗi ngày đang điều trị khoảng từ 1.200 đến 1.300 người bệnh, trong số đó có hơn 50% là người bệnh ung thư máu. Trong quá trình đồng hành với người bệnh, chúng tôi thấu hiểu những giờ phút khó khăn của người bệnh khi tiếp nhận tin bệnh, sự mệt mỏi và những cơn đau tưởng không chịu nổi. Nhưng với nhiều loại ung thư, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ kéo dài sự sống hoặc được chữa gần như khỏi bệnh là rất lớn. Điều quan trọng nhất để trị bệnh hiệu quả là bệnh nhân phải giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, thay đổi lối sống theo hướng tích cực, chăm tập luyện thể thao và duy trì chế độ ăn uống khoa học. Bệnh tật là thứ làm người ta yếu mềm nhất, nhưng với những bệnh nhân ung thư dường như trong họ luôn có sự khát vọng mãnh liệt; luôn có sự mạnh mẽ, kiên cường để vươn lên giành lấy sự sống. Bởi vậy, những điều kỳ diệu cũng sẽ được nhân lên”.

Tags: ung thư
Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết