Ngành y tế nỗ lực vượt khó khăn để phục vụ nhân dân

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, ngành y tế luôn đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, trước hết nên dù đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu".

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. 

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, năm 2022 là một năm đầy biến cố đối với ngành y tế nhưng ngành đã nỗ lực, không ngừng vượt khó để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thứ trưởng có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của ngành y tế trong thời gian qua?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Trong năm 2022, ngành y tế đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền và của nhân dân, cũng như sự nỗ lực, cố gắng vượt khó của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành, nên ngành y tế vẫn đạt được những kết quả đáng trân trọng. Ngành y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu năm 2022 được Quốc hội giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia bảo hiểm y tế. 13/16 chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành y tế cũng đã hoàn thành. Trong điều kiện khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao và từng bước làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

PV: Vậy những khó khăn lớn nhất mà ngành y tế đang phải đối mặt là gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Hiện nay, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, tự chủ, quản trị bệnh viện công. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đủ chi phí thực tế. Quỹ bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối do mức đóng thấp. Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu ở tuyến y tế cơ sở. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ tại các cơ sở y tế công lập tăng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ diễn ra tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Còn tồn đọng hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Cơ chế, chính sách khuyến khích y tế tư nhân chưa đủ mạnh. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn thấp...

PV: Thời gian qua, thực trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế; cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc... gây ra những khó khăn lớn cho các bệnh viện. Vậy ngành y tế đã đề ra những giải pháp nào để giải quyết, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế xác định tập trung củng cố nguồn nhân lực y tế, đề xuất với Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách để làm sao cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác. Thực hiện Kết luận 25 của Bộ Chính trị, vừa rồi, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 của Chính phủ, đó là đưa phụ cấp nghề đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng từ 40%, 70% lên 100%. Để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, ngành y tế thực hiện các giải pháp như: Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế; tiếp tục rà soát, thực hiện giá dịch vụ y tế và giá vaccine theo lộ trình tính đúng, tính đủ; nghiên cứu hoàn thiện phương thức chi trả dịch vụ y tế.  

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng quan tâm, có giải pháp cho các vấn đề quan trọng khác như: Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước. Ngành y tế tiếp tục tập trung kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch; tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, nâng cao sức khỏe người dân; triển khai các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các tuyến.

 PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương trao bé sơ sinh cho một gia đình. ẢNH: NA LÊ

PV: Việc thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế cũng đang là vấn đề nổi cộm. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) sẽ phối hợp để đưa ra giải pháp gì, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã phối hợp với  BHXH Việt Nam có hướng dẫn về việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các cơ sở y tế của năm 2021 với tổng kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng. Hiện tại, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tiếp tục rà soát để hướng dẫn các cơ sở thanh toán nợ đọng bảo hiểm y tế của năm 2018, 2019, 2020, 2021. Nợ đọng này đã được cơ quan bảo hiểm thẩm tra tại các cơ sở y tế nhưng do những nguyên nhân khách quan khác nhau mà chưa được thanh toán. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đã thống nhất rà soát để thanh quyết toán số kinh phí này cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Tổng kinh phí chúng tôi rà soát bước đầu khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, nếu cả giai đoạn 2018, 2019, 2020, 2021 thanh quyết toán được tất cả cho các cơ sở y tế trên toàn quốc thì tổng kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, đây là nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế tái cấu trúc trong quá trình cung ứng thuốc, vật tư cũng như bảo đảm công tác chi thường xuyên để duy trì hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh. 

PV: Thưa Thứ trưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Trong nội dung của luật này có rất nhiều điểm thay đổi để có thể hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh. Bộ Y tế sẽ làm gì để thúc đẩy luật sớm đi vào đời sống, mang lại hiệu quả trên thực tế?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Qua đó thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám, chữa bệnh để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế, tiếp tục thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế. Vấn đề xã hội hóa trong dịch vụ y tế hết sức quan trọng để làm sao người bệnh tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Mặt khác, cần bảo đảm cơ chế quyền của người bệnh và gắn với trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh...

Sau khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa luật. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ban hành các thông tư hướng dẫn đồng bộ với luật, với nghị định của Chính phủ. Để sớm đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống, không chỉ riêng Bộ Y tế, tôi trân trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các nghị định, quy định. Với trách nhiệm phía Bộ Y tế, chúng tôi quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để luật được triển khai thực hiện đồng bộ từ ngày 1-1-2024.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lượt xem: 12
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết