Chạy để khỏi... “lạc nhịp”

Trước khuôn viên đơn vị, đội văn nghệ xung kích của Liên chi đoàn Tiểu đoàn 1 tích cực luyện tập các tiết mục văn nghệ chuẩn bị tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp trung đoàn.

Tất cả đang hăng say tập từng động tác, luyện từng câu hát. Anh bí thư liên chi đoàn chăm chú theo dõi các tiết mục trong chương trình văn nghệ mà không hay có thủ trưởng đứng gần đó. Phải lúc sau, chính trị viên tiểu đoàn mới cất tiếng:

- Các đồng chí tập thế nào? Chương trình ổn chứ? Tí diễn thử một lượt cho tôi xem nhé!

- Dạ báo cáo thủ trưởng. Bộ đội rất tích cực luyện tập. Chương trình cơ bản tốt chỉ còn chờ ngày biểu diễn! Bí thư liên chi đoàn báo cáo.

Ảnh minh họa: Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. 

Chứng kiến cả đội miệt mài luyện tập, chính trị viên tiểu đoàn nói vui:

- Cậu là "trưởng gánh hát”, liệu “đem chuông đi đánh xứ người” có được giải gì mang về cho đơn vị không?

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, cả đội luôn cố gắng làm hết sức để có chương trình tốt nhất dự thi. Còn chấm điểm thì phụ thuộc vào ban giám khảo!

- Đấy cậu đã nói được một ý rồi. Khi đi thi, thành phần rất quan trọng chính là ban giám khảo. Nặng nhẹ, lên xuống hay không cũng là ở những người "cầm cân nảy mực". Mà muốn "qua sông thì phải lụy đò" mới mong có kết quả tốt, thành tích cao, cậu hiểu chứ?

- Thủ trưởng nói thế nghĩa là sao ạ?

- Cậu đúng là chỉ được cái cần cù thôi. Nghĩa là muốn có giải thì phải chịu khó “đi đêm”. Cậu chưa gặp gỡ riêng các thành viên ban giám khảo đúng không? Cứ mải miết tập mà không nhìn sang các đơn vị bạn à. Tôi thấy họ đã đi “đặt vấn đề” rồi nhờ vả xin giải năm nay đấy!

- Có chuyện đó thật ạ? Em cứ mải miết tập luyện mà không hay để ý đến các việc ở hậu trường.

 - Cậu thực thà quá. Giờ cái gì không đi được thì phải "chạy". Ngay cả đến vui văn nghệ cũng phải "chạy". "Chạy" để có giải cao, từ đó mới có thành tích để báo cáo, để cấp trên khen thưởng chứ!

 - Thưa thủ trưởng, theo em, văn nghệ quần chúng thì vui là chính, có việc gì mà phải chạy. Gọi là cây nhà lá vườn, có thế nào thì trình diễn như thế, miễn là nhiệt tình làm hết mình vì phong trào, chứ cần gì mà phải “đi đêm” làm mất đi vẻ đẹp của phong trào văn nghệ quần chúng!

- Cậu không thức thời tí nào cả. “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Ai chẳng thích danh, ham thành tích. "Mua danh ba vạn" là thế. Đến khi kết thúc hội diễn, đơn vị nọ nhận cờ, đơn vị kia nhận giấy khen mà mình không được giải gì nghĩ có chạnh lòng không. Thế nên họ mới chịu khó “đi đêm” để đặt vấn đề trước. Mà thực tế, có đơn vị không chỉ "chạy" những người "cầm cân nảy mực" mà còn "chạy" cả những người phục vụ đêm biểu diễn nữa. Từng có trường hợp thí sinh đang hát mà loa đài tậm tịt, ánh sáng nhì nhằng, micro không bắt tiếng... Tiết mục biểu diễn như thế coi như xôi hỏng bỏng không. Bao công sức luyện tập như "đổ xuống sông xuống biển" chỉ vì những lỗi rất nhỏ nằm ngoài ý muốn. Vì thế, muốn sân khấu “sạch” thì phải quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất, ví như phải biết “chăm sóc” cả những người ở hậu trường. Có như vậy, chương trình biểu diễn của đội mới không bị “lạc nhịp”, mới mong có kết quả cao, thành tích tốt và có giải thưởng, cậu hiểu chưa?

Nghe thủ trưởng đơn vị nói vậy, anh bí thư liên chi đoàn gãi đầu gãi tai, miệng lí nhí:

- Dạ, báo cáo thủ trưởng, em hiểu ra vấn đề rồi ạ.

Nói vậy, nhưng trong lòng anh thì vẫn chưa hết ấm ức, bởi chỉ vì háo danh, ham thành tích mà cấp trên bắt cấp dưới phải "tiếp cận, đi đêm" không chỉ đối với những người "cầm cân nảy mực", mà còn phải "chạy" cả những người phục vụ âm thanh, ánh sáng trong liên hoan văn nghệ quần chúng của đơn vị. 

Lượt xem: 5
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết