Độc đáo Sơn “xẩm”

Dù mới 23 tuổi nhưng nghệ nhân Bùi Công Sơn (biệt danh Sơn “xẩm”) đã đạt nhiều thành tích đáng nể trong gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật hát xẩm. Gần nhất, Sơn đã xuất sắc giành giải A trong Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022 với tiết mục vừa chơi đàn nhị vừa hát bài “Phạm Công-Cúc Hoa”.

Gặp Sơn ngoài đời, không ai nghĩ chàng trai trẻ sinh ra trên đất Quỳnh Phụ (Thái Bình) lại có hơn 10 năm gắn bó, đắm đuối với xẩm. Sơn kể, năm 12 tuổi, tình cờ trong một lần xem các cô chú ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam về diễn tại hội chùa làng, Sơn đã rất ấn tượng với bài xẩm về mẹ. Thêm nữa, một lần nghe trên đài giọng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu thể hiện hai bài “Thập ân” và “Theo Đảng trọn đời”, Sơn mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật hát xẩm. Sơn đã ngược xuôi khắp nơi học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu. Hễ ai có bài nào hay là Sơn cố gắng lắng nghe, học tập cho bằng được, vì thế, chẳng mấy chốc kỹ năng hát xẩm của anh được nâng cao. Các nghệ nhân không những truyền dạy tận tình mà còn tặng Sơn những “vật bất ly thân” là những cây đàn nhị mà họ vẫn thường chơi như một sự trao gửi niềm tin cho thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Bùi Công Sơn.Ảnh do nhân vật cung cấp 

Trong các điểm đến để “tầm sư học đạo”, Sơn chú tâm, gắn bó nhất là quê hương của nghệ nhân Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Như một sự trả ơn, năm 2018, Sơn cùng chị Lê Hải Chiến sáng lập và là Chủ nhiệm Nhóm xẩm chợ Lồng Yên Phong với 12 thành viên hầu hết là học sinh từ mẫu giáo đến THPT. Tuy mới thành lập nhưng nhóm đã giành nhiều thành tích như: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì tại Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019; 1 giải Nhất tại Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022... Luôn cố gắng làm những gì tốt nhất để hát xẩm phát triển, Sơn đã xây dựng nhà thờ tổ nghề hát xẩm tại chính phần đất của gia đình ở huyện Quỳnh Phụ. Điều này xuất phát từ trăn trở hát xẩm chưa có nhà thờ riêng, mà mỗi lần giỗ tổ đều phải mượn địa điểm là bãi đất, sân kho, sân đình, sân chùa...

Để xẩm sống được thì bản thân người nghệ nhân phải biết đặt lời mới cho phù hợp với đời sống hôm nay. Nghĩ vậy, Sơn đã sáng tạo thêm các làn điệu xẩm khác như: Xẩm an toàn giao thông, xẩm tiêu trừ tham nhũng, xẩm phòng, chống tệ nạn xã hội... Sơn cho biết, khó nhất với hát xẩm là hát tròn vành rõ chữ, đàn hát câu nào ra câu đó, biết tận dụng làn điệu, ứng biến linh hoạt chứ không được rập khuôn. Theo Sơn, muốn học xẩm, ngoài chất giọng khỏe phải luyện hát để biết được cái lỗi của mình rồi sửa dần. Ở lớp nghe thầy dạy 1, trò phải học 10, tự cảm âm, tập luyện mới dần giỏi lên được. Không dừng ở hát xẩm, hiện nay, Sơn còn tham gia hát chầu văn hầu đồng và phục dựng nghệ thuật chơi diều sáo thủ công.

Là giám khảo của Liên hoan hát xẩm Ninh Bình mở rộng năm 2022, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, thành viên Nhóm xẩm Hà thành nhận xét: “Hiện nay chưa có ai thực hành thành công bài bản bài hát xẩm “Phạm Công-Cúc Hoa” với lối hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Tuy còn trẻ nhưng Sơn đã sử dụng đúng lề lối của điệu thập ân cổ mà nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh thời vẫn sử dụng và bảo đảm đủ các yếu tố cần thiết nhất của một người hát xẩm đúng nghĩa, đó là vừa đàn vừa hát. Sơn đã toát lên được yếu tố quan trọng nhất của người hát xẩm đó là “chơi xẩm”.

Tags: xẩm
Lượt xem: 9
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết