Gìn giữ âm nhạc dân tộc bằng tinh thần người lính

Bằng tình yêu đặc biệt với âm nhạc dân tộc, gần 25 năm qua, Trung tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam, Đội trưởng Đội Nhạc, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã có hành trình nhiều đam mê với thể loại âm nhạc này.

Hành trình ấy không hẳn lúc nào cũng màu hồng mà có nhiều gian truân, vất vả nhưng anh luôn tâm niệm, là người lính thì càng phải quyết tâm, nỗ lực vượt khó, góp phần gìn giữ, phát huy âm nhạc cổ truyền của dân tộc...

Thành công đánh đổi bằng mồ hôi, công sức

Lần nào đến Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, chúng tôi cũng thấy Trung tá, NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam say sưa, cần mẫn bên dàn nhạc dân tộc. Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP đầy tự hào khi nói về người nghệ sĩ của Đoàn: “Hải Nam là nghệ sĩ đa tài khi vừa có khả năng chơi trống dân tộc điêu luyện, vừa có thể sáng tác những ca khúc da diết, đầy tình cảm, vừa tham gia công tác giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Anh có kỹ thuật cơ bản vững, bản lĩnh sân khấu dày dặn cùng khả năng biểu diễn chuyên nghiệp”.

 Trung tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam say sưa với một tiết mục trống.

Nguyễn Hải Nam đến với môi trường nghệ thuật trong quân ngũ một phần do ảnh hưởng từ anh trai-Đại tá, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), nhạc sĩ Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thời học sinh, mỗi lần thấy anh trai mặc quân phục chơi nhạc cụ dân tộc, Nguyễn Hải Nam lại một lần ước mơ sau này cũng được như anh trai.

Tình yêu với âm nhạc dân tộc trong anh nảy nở và lớn dần. 16 tuổi, rời xa vòng tay bố mẹ, Nguyễn Hải Nam ra Hà Nội thi tuyển vào chuyên ngành trống, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, anh được điều động về công tác tại Đoàn Văn công BĐBP và bắt đầu cuộc đời của người nghệ sĩ, chiến sĩ “quân hàm xanh” mang tài năng phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới, hải đảo.

Tự hào khi được hoạt động nghệ thuật trong Quân đội, Nguyễn Hải Nam chia sẻ, đó là môi trường kỷ luật, nghiêm túc nhưng cũng đầy trẻ trung, thôi thúc sự sáng tạo trong mỗi người nghệ sĩ. Một sự trùng hợp thú vị là năm 2019, khi Trung tá Nguyễn Hải Nam được nhận danh hiệu NSƯT với bộ môn trống thì Đại tá Nguyễn Xuân Bắc cũng nhận danh hiệu NSND bộ môn gõ.

Sự thành công của Nguyễn Hải Nam luôn có sự đồng hành, động viên của anh trai Nguyễn Xuân Bắc. Đơn cử tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 vừa qua, Nguyễn Hải Nam đã giành giải nhất khi biểu diễn hai tác phẩm của anh trai: “Đẻ đất-Đẻ nước” và “Tả thanh thiên”. Bằng tài năng của mình, Hải Nam đã truyền tải xuất sắc thông điệp của các tác phẩm, đó là ca ngợi truyền thống yêu nước, lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi gợi niềm tự hào trong mỗi người về tinh thần tận hiến cho Tổ quốc.

“Đoàn Văn công BĐBP là một trong 3 đơn vị nghệ thuật toàn quân được thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo tham gia cuộc thi. Trên cương vị thành viên của Đoàn, tôi xác định nhiệm vụ của mình là phải tham gia với tinh thần của người lính. Với bề dày truyền thống cũng như đặc thù của BĐBP, các tác phẩm tham gia cuộc thi đều gắn liền với quê hương, đất nước, biên giới và người lính. Đó cũng là động lực để tôi nỗ lực phấn đấu giành giải cao”, Nguyễn Hải Nam cho biết.

Trung tá, Nghệ sĩ Ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Hải Nam (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngoài giải nhất Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2023, Hải Nam còn giành được nhiều thành tích, như: Huy chương vàng Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017 với độc tấu bộ gõ “Nhịp sống biên cương”; huy chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015, với độc tấu bộ gõ “Biên cương hội tụ”; huy chương vàng Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2014, với tốp tấu “Hướng về biển”; huy chương bạc cùng đội nhạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018, với tiết mục hòa tấu “Sức sống biên cương”...

Trong lĩnh vực sáng tác, Nguyễn Hải Nam cũng rất “có duyên” với giải thưởng khi đoạt giải C, Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021 với ca khúc “Lá chắn thép nơi biên cương”, giải khuyến khích, Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2022 với ca khúc “Về xứ Nghệ yêu thương”.

Mỗi “trái ngọt” mà Nguyễn Hải Nam có được trong sự nghiệp âm nhạc đều đánh đổi bởi mồ hôi, công sức từ quá trình luyện tập hết sức vất vả, kiên trì, thậm chí có lúc phải hy sinh cả công việc gia đình. Vào mỗi dịp chuẩn bị cho các cuộc thi, anh luôn tập trung cao độ, dồn hết thời gian, sức lực để tập luyện, bảo đảm tay trống thật nhuần nhuyễn, đặc biệt là phải sáng tạo trong cách biểu diễn.

“Tác phẩm mang đi dự thi chủ yếu là mới, yêu cầu kỹ thuật cũng như kỹ năng biểu diễn rất cao nên tôi phải tranh thủ thời gian luyện tập ngoài thời gian tập trung của ban nhạc. Và khi ấy, việc mất ăn, mất ngủ, phải ở lại đơn vị để tập luyện hằng đêm là bình thường”, Trung tá, NSƯT Nguyễn Hải Nam chia sẻ.

Động lực từ những “khán giả đặc biệt”

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Hải Nam bày tỏ tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nắng lửa-nơi đã tôi luyện cho anh tinh thần vượt khó vươn lên; may mắn có người bạn đời cũng là nghệ sĩ chơi đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn T’rưng ở Đoàn Văn công Quân khu 2 nên có sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, giúp anh thuận lợi trong công việc.

Tuy nhiên, nguồn động viên tinh thần lớn nhất khiến anh và đồng đội không ngừng nỗ lực cống hiến lại đến từ những “khán giả đặc biệt”-đó là đồng bào nơi biên giới, hải đảo. “Nếu như với nhiều nghệ sĩ, sân khấu biểu diễn là nhà hát với cơ sở vật chất hiện đại, là ánh đèn lung linh thì với chúng tôi-những nghệ sĩ BĐBP, sân khấu nhiều khi lại là những bãi đất giữa lưng chừng đèo, nơi còn thiếu thốn đủ bề từ phương tiện âm thanh đến ánh sáng.

Thế nhưng, chúng tôi vẫn say sưa ca hát, vẫn miệt mài biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nơi biên giới, hải đảo. Thật hạnh phúc, tự hào khi mỗi lần biểu diễn, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt chăm chú, những tiếng vỗ tay nhiệt liệt và cả những giọt nước mắt xúc động của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là phần thưởng lớn nhất đối với chúng tôi”, Nguyễn Hải Nam chia sẻ.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Đoàn Văn công BĐBP, thời gian qua, Nguyễn Hải Nam còn thường xuyên cộng tác với Đoàn Nghệ thuật Trống hội (Học viện Cảnh sát nhân dân) trên vai trò sáng tác, dàn dựng, chỉ huy. Những màn trống hội như: “Linh thiêng hội tụ”, “Hào khí non sông” và đặc biệt gần đây là “Vang mãi ngàn năm” quy tụ hàng trăm tay trống nghiệp dư là sinh viên đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân đã góp phần mang đến hình ảnh đẹp về những người chiến sĩ Công an nhân dân.

Ngoài ra, anh còn dành thời gian tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Với kiến thức vững vàng, sự trải nghiệm dày dặn giúp bài giảng của Nguyễn Hải Nam thêm phần sinh động, hấp dẫn. Nhiều sinh viên qua bàn tay dìu dắt, chỉ bảo tận tình, tâm huyết của anh đã tốt nghiệp, đang phát huy được năng lực, sở trường tại các đoàn nghệ thuật, như: Nguyễn Minh Huyền, Lương Thị Huyền, Thái Duy Thiên... Với anh, dạy học không chỉ cho đi mà còn nhận lại nhiều kiến thức từ cuộc sống để làm dày thêm hành trang trong hành trình sáng tạo của mình.

Theo Trung tá, NSƯT Nguyễn Hải Nam, hiện nay, trống vẫn là bộ môn mới đối với nhiều người, mang tính trừu tượng và khó cảm nhận hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. “Để nghe và hiểu về khí nhạc cần nhiều thời gian và công sức. Việc giữ gìn, phát triển nghệ thuật trống nói riêng, âm nhạc dân tộc nói chung vẫn còn nhiều khoảng trống và đó cũng là điều mà chúng tôi đau đáu suốt những năm qua. Chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, có tình yêu âm nhạc dân tộc của mỗi người để loại hình âm nhạc này tiếp tục bay cao”, anh nói.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.