Yêu bóng đá phải yêu cả văn hóa
Dành hai ngày cuối tuần trước, bà Sonia Nemmas cùng gia đình và bạn bè từ Jordan đến Qatar để tham gia các hoạt động chào đón FIFA World Cup 2022.
Tự gọi mình là một người “cuồng” môn túc cầu, người phụ nữ 3 con này đã sắp xếp công việc nhằm "thực mục sở thị" không khí náo nhiệt của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Họ cũng có vé xem một trận đấu thuộc vòng bảng vào buổi tối và dự định sẽ tới hòa mình vào trận đấu đó. Tuy nhiên, bà Nemmas lo ngại xuất hiện những cổ động viên say xỉn trong sân vận động hay sau khi trận cầu kết thúc, dẫn đến nhiều hành động quá khích. Đề cập tới một số vụ bạo lực do bia, rượu ở nhiều nước, bà Nemmas mong rằng đó không phải điều mình sẽ thấy ở Qatar. “May thay, đồ uống có cồn không được phép bán trong sân. Chúng tôi có thể yên tâm cổ vũ trên khán đài và tận hưởng niềm vui bóng đá đúng nghĩa”, bà nói thêm.
Cổ động viên Nhật Bản chăm chú theo dõi trận đấu. Ảnh: Reuters |
Chỉ hai ngày trước khi bóng lăn, Ban tổ chức thông báo tất cả 8 sân vận động diễn ra các trận đấu tại FIFA World Cup 2022 sẽ không phục vụ bia, rượu-vốn là thức uống được nhiều người hâm mộ ưa thích. Quả thực, không khó để bắt gặp hình ảnh cổ động viên vừa xem bóng đá, vừa cầm cốc bia trên khán đài ở các giải đấu lớn trên khắp thế giới. Chính vì vậy, một bộ phận người hâm mộ đã chỉ trích quy định vào “phút 89” này của FIFA, thậm chí tỏ ra phẫn nộ khi biện minh rằng Ban tổ chức không hề thông cảm, chia sẻ với “văn hóa bia, rượu” của họ.
Thực tế, ngành công nghiệp rượu, bia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thể thao nói chung ở nhiều khía cạnh, từ việc xây dựng thương hiệu cho các cầu thủ, áo đấu cho đến các bảng hiệu tại sân vận động. Đó cũng là lý do xuất hiện thông tin hãng bia Budweiser-một trong những nhà tài trợ chính thức của FIFA World Cup 2022-mới đây yêu cầu bồi hoàn 60% số tiền tài trợ vì không được bán bia tại sân vận động và trước viễn cảnh hàng nghìn thùng bia đã chuyển tới Qatar sẽ bị “rơi vào quên lãng”.
Dẫu vậy, luật cấm đồ uống có cồn trong sân vận động cũng không phải là mới. Đơn cử, khi đăng cai giải Copa America 2015, Chile không những cấm cổ động viên sử dụng bia, rượu mà thậm chí còn cả trống, pháo hoa, pháo sáng hay biểu ngữ trên khán đài. Tại nước Anh-nơi có nhiều giải đấu hấp dẫn hàng đầu thế giới như Ngoại hạng Anh hay FA Cup, người hâm mộ chỉ được uống bia trước trận đấu hoặc lúc nghỉ giữa hiệp, trong khi những người say xỉn không được phép vào sân.
Là một quốc gia Hồi giáo và nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt, Qatar nhận được không ít câu hỏi về các điều có thể và không thể làm khi đến đây, trong đó có vấn đề đồ uống có cồn, đặc biệt là trong dịp FIFA World Cup 2022. Người dân quốc gia vùng Vịnh này cũng không có văn hóa uống bia, rượu. Qatar chỉ cho phép du khách mua bia, rượu tại các khách sạn và quán bar có giấy phép; đồng thời coi say xỉn ở nơi công cộng là bất hợp pháp. Vì vậy, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) đánh giá Qatar rất hiếm khi ghi nhận các sự cố phát sinh vì cổ động viên say xỉn trong những sự kiện thể thao-hình ảnh vẫn thường thấy tại một số khu vực khác.
Bóng đá luôn được tôn vinh là môn thể thao vua dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho những người thích uống bia, rượu. Đó là điều mà FIFA và nước chủ nhà Qatar muốn truyền tải đến người hâm mộ, cũng như lời bà Nemmas khẳng định: “Khi đến những quốc gia khác, chúng ta không hỏi lý do phải tuân thủ các quy định hoặc tôn trọng văn hóa nước sở tại. Đơn giản là chúng ta cứ tự giác thôi”.