“Cầu nối” của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ

Vừa di chuyển tới nhà ga nội địa của sân bay Istanbul ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chợt có cảm giác thân thuộc khi nghe thấy những tiếng “Tôi ở đây, tôi ở đây” vang vọng từ xa. Bóng dáng 3 người đang rảo chân bước tới.

Chỉ kịp bắt tay và tươi cười giới thiệu tên với đoàn, anh Lưu Thái Hưng cùng hai nhân viên sân bay hướng dẫn chúng tôi ra khu vực chờ để nối chuyến đến thành phố Antakya, tỉnh Hatay-đích đến của đoàn trong nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả trận động đất vừa qua. Trên đường đi, anh liên tục trao đổi với các nhân viên trên để nắm tình hình rồi chuyển ngữ thông báo lại cho Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Trưởng đoàn. 

Anh Lưu Thái Hưng (thứ hai, từ trái sang) làm cầu nối giữa chỉ huy đoàn và đại diện Tổng cục Điều phối tình trạng khẩn cấp và thiên tai thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Istanbul.  

Phải tới khi đến khu chờ nối chuyến, tôi mới có thời gian trò chuyện với anh nhiều hơn. Anh Hưng, quê ở Hải Dương, đang làm hướng dẫn viên cho một công ty lữ hành ở Istanbul. Anh biết được thông tin về đoàn công tác của QĐND Việt Nam sang tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ từ báo chí trong nước. Vì vậy, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh không ngần ngại "giơ tay" tình nguyện đăng ký hỗ trợ đoàn. Anh Hưng tự nhận mình là “thổ địa” tại đây bởi năm nay là năm thứ 18 anh sống và học tập tại quốc gia này. Hiện gia đình anh đã định cư tại Istanbul. Chia sẻ về quyết định của mình, anh nhận được ngay cái gật đầu của bà xã bởi chị nhà cũng nói với anh rằng việc QĐND Việt Nam cử lực lượng sang trợ giúp người dân nơi đây là một việc làm cao cả, thể hiện nét đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Khi xin phép nghỉ tại công ty, anh Hưng cũng nhận được sự đồng tình từ sếp của mình, cũng là một doanh nhân gốc Việt. 

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị xen ngang bởi anh không lúc nào “ngồi ấm chỗ” quá 15 phút. Khi thì chạy đi hướng dẫn các thành viên đoàn đăng ký wifi miễn phí của sân bay để gọi về nhà, lúc thì làm “cầu nối” giữa chỉ huy đoàn với nhân viên sân bay và đại diện cơ quan chức năng nước bạn bởi lịch trình có sự thay đổi, khi lại cập nhật thông tin địa bàn cho đoàn từ các trang báo của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tôi hỏi có phải anh chỉ hỗ trợ đoàn trong hôm nay hay không, anh Hưng đáp nhanh: “Mình sẽ đồng hành với đoàn đến khi nào đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ”. Câu trả lời ngắn gọn, dứt khoát nhưng vẫn tràn đầy tình cảm của anh Hưng khiến mọi người cảm thấy ấm áp và càng có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Bài và ảnh: VĂN HIẾU (từ Thổ Nhĩ Kỳ)  

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.