Chính phủ đề xuất khoản thuế mới để chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu

Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Chính phủ đề xuất cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR), nhằm giành quyền đánh thuế, hạn chế chuyển thuế sang quốc gia khác.

Article thumbnail
Xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ 2024 được đánh giá mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng thu ngân sách. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án nghị quyết của Quốc hội áp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Giành quyền đánh thuế

Theo Chính phủ, thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, chưa được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Khoản thuế này cũng nằm ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, do đó, cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết.

“Thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng, nên cần tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng loại thuế này”, Chính phủ nêu.

Dẫn quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Chính phủ cho biết, các nước có thuế suất thu nhập doanh nghiệp dưới 15% được quyền ban hành quy định pháp luật để giành quyền thu thuế tối thiểu đạt chuẩn trước các quốc gia khác.

Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024, nên dự kiến áp dụng cơ chế QDMTT và IRR, nhằm giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển thuế sang các quốc gia khác.

QDMTT có thể hiểu là cơ chế nội địa, trong đó, việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với quy định của OECD. Đây là biện pháp mà các nền kinh tế như Hong Kong, Singapore, Malaysia đang cân nhắc và nhiều khả năng sẽ áp dụng.

Thu thuế nộp vào ngân sách

Theo dự thảo nghị quyết, đối tượng áp dụng QDMTT là các công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính.

QDMTT được xác định bằng tỷ lệ thuế bổ sung nhân (x) với lợi nhuận vượt ngưỡng và cộng (+) với thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành. Thuế này sẽ được xác định bằng 0 khi công ty thành viên hoặc tập hợp các công ty thành viên có doanh thu bình quân tại Việt Nam dưới 10 triệu EUR và thu nhập bình quân dưới 1 triệu EUR hoặc lỗ.

Thu nhập chịu thuế tối thiểu (IRR) là quy định đánh thuế từ trên xuống. Theo đó, cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ được quyền đánh thuế bổ sung với thu nhập của công ty thành viên ở nước chịu thuế thấp hơn mức tối thiểu 15%.

Dự thảo nghị quyết quy định, thuế bổ sung tại một nước được xác định dựa trên tỷ lệ thuế bổ sung nhân (x) với lợi nhuận vượt ngưỡng, rồi cộng (+) thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có), sau đó trừ (-) đi thuế bổ sung nội địa đạt chuẩn (nếu có).

Thuế bổ sung của công ty thành viên tại một nước sẽ được xác định bằng 0 khi công ty thành viên hoặc các công ty thành viên có doanh thu tại nước đó dưới 10 triệu EUR và thu nhập bình quân dưới 1 triệu EUR hoặc lỗ.

Trường hợp áp dụng quy định thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, doanh nghiệp phải nộp tờ khai thông tin, nộp thuế 9 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu, thời hạn là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.

“Phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cần nộp vào ngân sách Trung ương”, Chính phủ nêu.

Chính phủ đề xuất, nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2024, cho tới khi Luật Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Theo dự kiến chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo nghị quyết này trong phiên họp tháng 9 này.

Giảm thiểu trốn thuế, chuyển giá

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia né thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024. Thuế suất được ấn định “tối thiểu là 15%” với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu EUR (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất.

Theo báo cáo của Chính phủ, thuế tối thiểu toàn cầu không bắt buộc các nước phải áp dụng. Nếu Việt Nam không áp dụng vẫn phải chấp nhận các quốc gia khác áp thuế tối thiểu toàn cầu có quyền thu thuế bổ sung với các doanh nghiệp tại Việt Nam (thuộc đối tượng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%.

Xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ 2024 (gồm quy định IRR và QDMTT) được đánh giá mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng thu ngân sách từ phần thu thuế bổ sung; tăng hội nhập quốc tế và giảm thiểu trốn thuế, tránh thuế, cũng như chuyển giá, chuyển lợi nhuận. 

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có khoảng 335 dự án có vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... có dự án với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD).

Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ, có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng trên 14.600 tỷ đồng.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.