Công tác quy hoạch phải được quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật điện lực (sửa đổi)

Đưa ra những góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật điện lực (sửa đổi) phải quy định rõ hơn, có hướng dẫn cụ thể hơn để xây dựng kế hoạch quy hoạch dài hạn, vì điện luôn đi trước một bước.

Chỉ trong 10 năm qua, nhờ có công tác quy hoạch mà thành phố Hà Nội đã đầu tư cho ngành điện bằng 20 năm từ công trình đường dây 110kv đến 220kv... Để chuẩn bị đầu tư cho dự án 110kv, chúng tôi phải mất nhiều năm. Như vậy, nếu công tác quy hoạch không được kịp thời, thì sẽ không đáp ứng được theo Quy hoạch điện VIII, rồi đến các quy hoạch năng lượng khác.

undefined

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Sáng ngày 3/5/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, bộ ngành có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Ủy ban Quản lý nhà nước tại doanh nghiệp); Đại diện các Sở Công Thương thuộc tỉnh phía Bắc; đại diện một số hiệp hội: VCCI, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam; đại diện doanh nghiệp là chủ đầu tư và các đơn vị điện lực: EVN, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoảng sản; đại diện khách hàng sử dụng điện có quy mô lớn và nhiều cơ quan báo chí.

Luật Điện lực năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi các luật khác có liên quan vào các năm 2012, năm 2018, năm 2022 và năm 2023 (nội dung sửa đổi năm 2023 về giá điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024) đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, đến giai đoạn hiện nay cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Theo chương trình, trong ngày 3/5 các đại biểu sẽ nghe thành viên Ban soạn thảo giới thiệu về các nhóm nội dung chính của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Báo cáo và thảo luận, đóng góp ý kiến về các chuyên đề Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực; chuyên đề về Phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới và các vấn đề chung.

Trong ngày mai 4/5/2024 sẽ báo cáo, thảo luận, góp ý về chuyên đề Thị trường điện và một số nội dung liên quan đến hoạt động mua bán trên thị trường điện; chuyên đề về giá điện và hợp đồng mua bán điện; chuyên đề về Vận hành hệ thống điện, quản lý nhu cầu điện; chuyên đề về Giấy phép hoạt động điện lực; An toàn điện, an toàn đập, hồ chứa thủy điện.

 

Lượt xem: 11
Tác giả: Thực hiện : Hòa - Hùng - Hằng