Hiểu về tự do sáng tạo trước khi khởi nghiệp

Những năm gần đây, có không ít tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) vi phạm các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng do các văn nghệ sĩ trẻ sáng tạo. Vì thế, việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho những nghệ sĩ trẻ từ khi mới bắt đầu khởi nghiệp để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về VHNT là rất cần thiết.

Trong đào tạo báo chí có môn Luật pháp và đạo đức báo chí thì ở các khối trường nghệ thuật không có môn học nào riêng biệt liên quan đến tự do sáng tạo. Theo lý giải của các giảng viên, nhà quản lý khối các trường nghệ thuật, vấn đề tự do sáng tạo thuộc về lĩnh vực tinh thần nên thực tế rất khó khu biệt để tạo ra nội dung của một môn học riêng.

Tất nhiên, các trường khối nghệ thuật cũng có ý thức phải sớm trang bị cho sinh viên mai sau trở thành nghệ sĩ sáng tạo, nắm được chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua lồng ghép vào các môn học.

Biểu diễn tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.Ảnh: HÀ PHƯƠNG

Với các môn học lý luận chính trị, nhất là các môn Triết học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh giảng dạy kiến thức chung, sẽ rất tốt nếu giảng viên biết lồng ghép nội dung phù hợp với nghề nghiệp tương lai của sinh viên theo định hướng cá thể hóa.

Sẽ rất thú vị, bổ ích, gần gũi với sinh viên khi trong môn tư tưởng Hồ Chí Minh được giảng viên phân tích câu thơ “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”; hay câu nói nổi tiếng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” của Người.

Sinh viên sẽ hiểu rằng, VHNT thực sự có ích lợi khi gắn với đời sống, phục vụ đất nước và nhân dân, không nên chạy theo xu hướng hình thức hóa quá đà, xa rời đại đa số công chúng.

Tuy nhiên, để tiện trong việc quản lý, những môn học lý luận chính trị là những môn cơ bản được dồn hết vào những năm đầu, kỳ đầu, "nhồi nhét" số lượng người học từ nhiều ngành học vào trong một lớp nên rất khó cá thể hóa. Đó là chưa kể đội ngũ giảng viên không phải ai cũng đủ năng lực để liên hệ với thực tiễn VHNT hiện nay.

Trong chương trình học của khối các trường nghệ thuật có môn học rất quan trọng là môn Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh viên được học tập, nghiên cứu quan điểm của Đảng về văn hóa văn nghệ từ “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) đến nay.

Nắm vững đường lối văn hóa văn nghệ cố nhiên là rất tốt, nhưng đường lối dẫu sao chỉ mang tính khái quát, chưa đi vào cụ thể thực tiễn đời sống VHNT gắn với công việc lao động sáng tác của sinh viên nghệ thuật sau này. Chính vì thế, ở một số trường, một số khoa tiếp tục lồng ghép giáo dục về pháp luật qua các môn học cụ thể.

TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn-Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: “Sinh viên học viết văn, báo chí có môn học Biên tập văn học, chúng tôi yêu cầu giảng viên phải giới thiệu cho các em biết về Luật Xuất bản, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Sau này, khi sinh viên trở thành biên tập viên nhà xuất bản, cơ quan báo chí sẽ có ý thức không để lọt những tác phẩm vi phạm quy định pháp luật”.

Khi nhiều nghệ sĩ trẻ sáng tạo VHNT không qua trường lớp đào tạo và việc công bố, phát hành tác phẩm trên môi trường không gian mạng không thuộc chủ quyền nước ta quản lý thì cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về VHNT đa dạng, linh hoạt hơn.

Có thể tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến, cung cấp các sản phẩm thông tin cập nhật quy định mới liên quan đến VHNT. Nhiệm vụ này hoàn toàn có thể giao cho các cơ quan quản lý VHNT, các hội nghề nghiệp Trung ương và địa phương.

Thực tế cho thấy đây là hoạt động mà các cơ quan kể trên chưa chú trọng, chưa có tính cảnh báo văn nghệ sĩ trẻ không nên quá đề cao cái tôi, suy tâm vọng tưởng về quyền tự do sáng tạo, bất chấp ảnh hưởng đến lợi ích đất nước, cộng đồng.

Việc các cơ quan chức năng kiên quyết xử phạt và yêu cầu các nghệ sĩ trẻ làm phim, phổ biến video ca nhạc mới đây chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ tác phẩm trên không gian mạng đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, xử phạt chỉ là việc bất đắc dĩ, giáo dục, tuyên truyền về tự do sáng tạo gắn với quy định pháp luật về VHNT từ khi nghệ sĩ mới khởi nghiệp vẫn là tối ưu, như người ta hay nói "phòng luôn tốt hơn chống".

VÂN HÀ

Tags: qdnd
Lượt xem: 92
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.