Hỏi, đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế: Quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu

* Chị Lê Thu Hương ở xã Dương Thành (Phú Bình, Thái Nguyên), hỏi: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với quân nhân có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định như thế nào?

Trả lời: Theo Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

- Bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1995 đến ngày 31-12-2000, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2001 đến ngày 31-12-2006, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2007 đến ngày 31-12-2015, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2019, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối;

- Bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

- Bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1-1-2025 trở đi, tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

* Anh Hoàng Văn Tùng ở thị trấn Thông Nông (Hà Quảng, Cao Bằng), hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quy định về việc cấp sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) hoặc giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong Bộ Quốc phòng chưa được cấp sổ BHXH mà không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1-1-1995?

Trả lời: Khoản 11 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10-5-2016 của Chính phủ quy định: 

Trường hợp khi cấp sổ BHXH hoặc khi giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động chưa được cấp sổ BHXH mà không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 1-1-1995 thì phải có văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động giải trình rõ lý do bị mất. Đồng thời xác nhận về quá trình công tác có đóng BHXH và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó, kèm theo các giấy tờ liên quan đến thời gian công tác có đóng BHXH, tính chất công việc, diễn biến tiền lương, chưa nhận trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc, trợ cấp BHXH một lần; báo cáo Bộ Quốc phòng, gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

Nếu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể thì cơ quan, đơn vị mới được thành lập hoặc cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thực hiện công việc nêu trên theo quy định.

 Mọi thông tin, ý kiến cần giải đáp xin gửi về Phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 069.554119; 024.37478610; thư điện tử: congtacdang@qdnd.vn.

 

QĐND

Tags: lương hưu