Lương hưu: Điểm tựa của tuổi già
Nhờ chính sách ưu việt của bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều người lao động khi về già đã có cuộc sống an hưởng từ nguồn lương hưu hằng tháng, không bị phụ thuộc vào con cái, đồng thời cũng an tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh bởi đã có thẻ BHYT.
Ông Trần Hoàng Thành, 61 tuổi (ngụ tại phường 7, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), vui mừng khoe với chúng tôi số tiền hưởng lương hưu hằng tháng vừa được gửi thông báo về điện thoại di động là hơn 2,1 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Hoàng Thành khoe tin nhắn nhận tiền lương hưu. |
Ông chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ có cán bộ BHXH nhiệt tình tư vấn đóng tiếp BHXH tự nguyện mà giờ tôi được nhận lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, yên tâm cho tuổi già, không là gánh nặng đối với con cháu”. Trước khi được nhận lương hưu, ông Trần Hoàng Thành đã cân nhắc rất nhiều, bởi lẽ khi nghỉ công tác, thời gian đóng BHXH của ông mới có 14 năm 8 tháng. Như vậy, ông Thành còn thiếu 5 năm 4 tháng mới đủ điều kiện nhận lương hưu. Khi đó, ông đã định nhận BHXH một lần với giá trị hơn 90 triệu đồng. “Tôi cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt-hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần. Một phần nhờ nhân viên BHXH tỉnh tư vấn chu đáo, cẩn thận, phần lớn là do nghe câu nói: “Nếu sau này già, em "đi" trước còn mình anh, không lương hưu thì thế nào?” của vợ khiến tôi quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng”, ông Thành chia sẻ. Sau một năm đóng theo quý, vào tháng 10-2021 (đủ tuổi hưởng lương hưu), ông Thành quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm, với số tiền hơn 34 triệu đồng. Nay hằng tháng được nhận lương hưu, tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản về già. Quan trọng hơn là có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Ông Trần Hoàng Thành vui vẻ: “Nếu sống thọ thì đây là khoản đầu tư hữu ích, nhưng quan trọng hơn là chủ động được cuộc sống. Hằng tháng khi máy điện thoại báo tin nhắn lương hưu đổ về tài khoản, tôi cảm thấy rất vui. Giờ nghỉ ngơi, tôi có điều kiện thăm bạn bè, đi du lịch”. Còn với bà Nguyễn Thị Bạch Vân, 54 tuổi (ngụ tại phường 1, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh), từng kinh doanh tự do rồi tham gia công tác tại hội phụ nữ trên địa bàn đã quyết định đến với BHXH tự nguyện. “Tôi tham gia BHXH tự nguyện vì muốn có lương hưu-một điểm tựa khi về già, phòng khi ốm đau có BHYT chi trả. Tôi cũng đã mua BHXH tự nguyện cho con trai tôi (sinh năm 2000) để thời gian tham gia chính sách của con được sớm hơn”, bà Vân chia sẻ.
Vấn đề tuyên truyền cho người dân hiểu và tham gia nhiều hơn trong BHXH tự nguyện, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Kinh doanh, Bưu điện tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Trước đây, việc tuyên truyền chính sách của nhân viên bưu điện chủ yếu là phát tờ rơi nên hiệu quả thấp. Vì thế, với định hướng từ cơ quan BHXH, bưu điện tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền tại UBND các xã, phường và mời lãnh đạo cơ sở phát biểu để tạo niềm tin. Cùng với cán bộ bưu điện, cán bộ BHXH cũng đến trực tiếp để tư vấn cặn kẽ, cụ thể về quyền lợi khi tham gia chính sách, tạo sự yên tâm cho bà con, qua đó, hiệu quả được nâng lên rõ rệt”. Qua những buổi tuyên truyền trực tiếp như thế, người dân hiểu thêm những lợi ích được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.
Có thể thấy rõ BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp người lao động tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình, xã hội. Mặt khác, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.