Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con trước căn bệnh viêm gan "bí ẩn"?
Trong bối cảnh bệnh viêm gan "bí ẩn" đã xuất hiện tại Đông Nam Á, nhiều phụ huynh Việt không khỏi lo lắng và băn khoăn về cách để bảo vệ con em mình.
Mới đây, Bộ Y tế Indonesia thông tin về 3 trường hợp bệnh nhi tử vong vì viêm gan cấp tính do virus "bí ẩn" gây ra.
Các bệnh nhi nhập viện cấp cứu ở Jakarta với những triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật, ngất xỉu. Virus gây bệnh không phải từ virus gây viêm gan thông thường. Sau sự việc, cơ quan chức năng Indonesia đã triển khai các biện pháp để giám sát dịch bệnh trên toàn quốc.
Tại Singapore, một trẻ 10 tháng tuổi cũng được báo cáo đã mắc viêm gan cấp tính, với các xét nghiệm đều âm tính với các virus gây viêm gan A, B, C và E.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Cục y tế dự phòng - Bộ Y tế, đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.
Những thông tin trên khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo ngại về loại bệnh viêm gan do virus "bí ẩn" gây ra.
Về vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược Tp.HCM cho biết, với các chứng cứ khoa học hiện tại, 90% nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn” là virus Adeno.
Virus Adeno gây viêm gan thực ra không lạ nhưng khá hiếm gặp. Trước đây từng có những trường hợp trẻ nhiễm virus này gây suy gan nặng, tử vong hoặc phải ghép gan. Tuy nhiên, điều kỳ lạ của những trường hợp gần đây là việc tỷ lệ mắc cao hơn. Ngoài ra, trước kia bệnh thường ghi nhận ở những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Do đó, giới chuyên môn nghiêng về hướng Virus Adeno hiện tại có đột biến. “Điểm bất thường là hiện nay các ca viêm gan này cao hơn và nặng hơn, đến mức độ có trẻ phải thay gan hoặc đã có ca tử vong”, PGS Dũng nói.
Ông khẳng định, viêm gan cấp “bí ẩn” không phải do Covid-19. Nếu có liên quan thì chỉ có thể là tác động gián tiếp. Ví dụ như, Covid-19 làm tăng nguy cơ khiến virus Adeno đột biến khi trẻ cùng bị nhiễm Adeno và SARS-CoV-2. Ngoài ra có giả thuyết cho rằng, trong đại dịch Covid-19, trẻ được cách ly rất chặt, nên miễn dịch kém với Adeno. Khi trở lại cộng đồng, trẻ nhiễm virus này và bị viêm gan.
Về một số thông tin nghi ngờ vắc-xin Covid-19 dùng virus Adeno để điều chế gây bệnh viêm gan kỳ lạ, PGS Dũng cho rằng, virus Adeno của vắc-xin Covid-19 là chủng lấy từ hắc tinh tinh và đã được xử lý để không còn khả năng nhân bản (vắc-xin vector virus).
Còn chủng virus Adeno gây bệnh viêm gan là chủng của người (cụ thể là type 41). Hai chủng virus này không liên quan nhau, do đó vắc-xin không phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan cấp tính. Hơn nữa, vắc-xin dùng virus Adeno không được sử dụng tiêm cho trẻ.
“Hai chủng virus này không liên quan nhau nên vắc-xin không thể là nguyên nhân gây bệnh gan cấp tính. Hơn thế, trẻ nhỏ được tiêm vắc-xin Covid-19 mRNA, không phải vắc-xin vector virus”, PGS Dũng phân tích.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM, thì cho hay, tần suất trẻ viêm gan ở nước ta hoàn toàn không có bất thường. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào do virus Adeno gây ra nên phụ huynh không nên quá lo lắng.
Về 3 trường hợp trẻ tử vong ở Indonesia, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho rằng, vẫn chưa đủ chứng cứ để khẳng định do virus Adeno gây ra. Lý do là Indonesia chưa đủ năng lực thực hiện xét nghiệm virus này. “Chỉ khi nào trẻ mắc viêm gan được loại trừ nguyên nhân do virus A,B,C,D, E gây ra, virus Adeno mới được xem xét có thể là tác nhân và tiến hành xét nghiệm”, ông nói.
Trước tình hình bệnh viêm gan bí ẩn đã "xâm nhập" và gây thiệt hại về nhân mạng ở khu vực Đông Nam Á, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng điều cần thiết hiện tại là phải giúp cho người dân hiểu Covid-19 vẫn là vấn đề cần quan tâm, vì nó không chỉ gây bệnh, tự biến chủng mà có thể góp phần tạo ra các biến chủng virus khác. Do đó, nếu có điều kiện hãy cho trẻ tiêm vắc-xin Covid-19.
Bên cạnh đó, virus Adeno xâm nhập qua đường tiêu hóa, tiếp xúc và hô hấp, do đó, khẩu trang và rửa tay vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh, che miệng khi ho hay hắt hơi, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng. “Đặc biệt chú ý, khi trẻ có dấu hiệu vàng da hay đi tiểu sậm màu cần phải đến bệnh viện ngay", bác sĩ Khanh lưu ý.
Minh Hoa (t/h)