Tết miền Tây có gì hay

Ở miền Tây, khi thấy khí trời se lạnh là người dân biết Tết sắp đến. Khi đó, những cây mai vàng sung sức bung vài nụ hoa đón Tết sớm. Đám con nít xúng xính bộ quần áo mới đi khoe hết nhà này, sang nhà nọ, tíu tít rộn rã xóm làng. Còn người lớn, tất bật đan lá dừa, đổ bánh tráng, quết bánh phồng, gõ bánh in...

Article thumbnail
Hoa tươi rực rỡ là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và tài lộc trong năm mới. Vậy nên, vào những ngày cuối năm, hoa tươi tràn ngập mọi nẻo đường, mang đến không khí vô cùng tươi vui, tràn đầy nhựa sống. Ảnh: H.A

Tất bật chuẩn bị ăn Tết

Ở miền Tây, Tết là phải có mai, bởi mai vàng tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng, tốt lành. Vì vậy, nhà nào cũng trồng cây mai trước nhà, chừng 15, 16 Âm lịch, nhà nhà lại nô nức lặt lá mai, nhà không có thì tìm mua những cành mai được bán ngoài chợ hoa về chưng Tết.

Theo ông Ngô Văn Hai, ngụ xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, “sở dĩ người dân lặt lá vào khoảng thời gian này sẽ giúp mai nở bông vào đúng ngày Tết, chưng mai còn để các chậu bông cúc đồng tiền, cúc mâm xôi, hoa mào gà xung quanh gốc mai, hay các góc nhà, vừa tạo sinh khí vui tươi vừa làm chỗ cho con cháu chụp hình trong mấy ngày Tết”.

Kế đến là dọn dẹp nhà cửa, lau dọn bàn thờ tổ tiên. Theo quan niệm xa xưa, việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa không chỉ giúp sạch sẽ, tươm tất hơn mà còn là để xóa đi những điều xấu trong năm cũ…

Từ 20 tháng Chạp Âm lịch, các gia đình đi tảo mộ ông bà, tổ tiên, con cháu quét dọn, nhổ cây cỏ dại mọc gần phần mộ, sửa sang, sơn phết, trang hoàng “ngôi nhà” của cha ông, thắp nhang, cúng giấy tiền vàng bạc mời ông bà về cùng vui tết sum vầy với con cháu.

 Những chiếc ghe chở đầy hoa về các chợ, dòng người tấp nập đi mua sắm Tết. Ảnh: H.A

Đến ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà lại nô nức chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo về trời. Nhằm báo cáo những điều gia chủ đã làm được trong một năm vừa qua và nhờ ông Táo xin cho gia chủ thêm nhiều điều may mắn cho năm mới...

Công tác chuẩn bị Tết tất bật, từ thành thị đến thôn quê, chợ trên bờ hay bềnh bồng sông nước, không khó bắt gặp ghe xuồng tấp nập chở hàng giao cho kịp Tết, những chiếc ghe lớn chở đầy hoa về các chợ, dòng người tấp nập đi mua sắm Tết.

Chợ hoa Xuân rực rỡ sắc màu, rôm rả tiếng cười, người người dạo bước chụp ảnh, mua hoa về cúng, trang trí nhà cửa và đặc biệt không thể thiếu bình hoa trên bàn thờ gia tiên. Đây là truyền thống đã có từ rất lâu đời, trở thành một phần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hoa tươi rực rỡ là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và tài lộc trong năm mới. Vậy nên, vào những ngày cuối năm, hoa tươi tràn ngập mọi nẻo đường, mang đến không khí vô cùng tươi vui, tràn đầy nhựa sống.

Người dân quây quần gói bánh Tét, chuẩn bị đón Tết... Ảnh: H.A 

Ngoài ra, các gia đình cũng có thói quen tự làm mứt, bánh đãi khách. Các loại bánh mứt từ trái cây như mứt dừa, mứt bí, mứt mãng cầu, bánh phồng, bánh tráng, bánh in… để mời khách đến thăm. 

Bà Năm Đồng, ngụ xã Thạnh Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chuẩn bị bước sang tuổi 80, nhưng năm nào hễ mùng 5, mùng 6 tháng Chạp, cũng tự tay làm dưa kiệu, dưa cải, lạp xưởng để chờ con cháu về ăn Tết. Năm nào hễ ngày 29 Tết là ông Ba Học - chồng bà sẽ phụ trách đi rọc lá chuối rồi đem phơi, đợi lá vừa héo tới thì đem vô nhà lau lá, bà Năm thì bận bịu đãi nếp, đãi đậu, chuẩn bị thịt, đợi đến chiều thì các cô, các dì, các chị hàng xóm cùng réo nhau đến nhà bà Năm gói bánh. Không khí rôm rả hỏi thăm nhau đã mua sắm gì cho ngày Tết, Tết nay đi đâu chơi, ăn Tết có lớn không… mỗi người một công đoạn, người trải nếp lên lá, người buộc bánh… cánh đàn ông thì bắc gạch làm lò nấu nồi nước thật to, đợi khi bánh gói xong là thả vào nấu… Sáng 30 là cùng nhau chia bánh mang về để cúng trên bàn thờ và ăn trong ba ngày Tết.

Một số nhà có cối thì quết bánh phồng, tiếng chày quết bánh vang cả xóm, quết bánh phồng phải có nhiều người, ở miền Tây thường có lệ hùn hạp, đổi công, mỗi nhà thay phiên nhau quết bánh…

 Đặc biệt, hàng năm cứ vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp, người dân miền Tây lại rôm rả dỡ chà, tát đìa ăn Tết… Ảnh: H.A

Đặc biệt, hàng năm cứ vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp, người dân miền Tây lại rôm rả dỡ chà, tát đìa ăn Tết… Dịp Tết, người ta dỡ chà để đem cá ra chợ bán có tiền mua sắm Tết, số còn lại để dùng trong nhà và biếu bà con chòm xóm, nhất là những người cùng phụ giúp dỡ chà. Đây là một nét đẹp văn hóa đánh bắt cá truyền thống không làm ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, vừa gắn kết với cộng đồng vừa mang tính đặc thù của miền quê sông nước.

Phong tục ngày Tết

Người miền Tây còn thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ ông bà tổ tiên bằng mâm cúng ông bà ngày 30 Tết, gọi là lễ “rước ông bà”. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Sau đó, đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Lễ vật cúng Giao thừa, ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng, con gà trống luộc…

Mâm cơm cúng nhất định phải có nồi thịt kho trứng và canh khổ qua, các món còn lại tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, tất cả đều được dâng lên với tấm lòng thành kính và ghi nhớ công lao của ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để con cháu báo cáo với tổ tiên về thành quả trong một năm hay những khó khăn đang gặp phải và hy vọng một năm mới suôn sẻ hơn…

Bên cạnh đó, phong tục bày mâm ngũ quả cúng ông bà trên bàn thờ gia tiên phải có năm loại trái tượng trưng cho năm màu sắc của ngũ hành là mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài, sung với ý nghĩa “cầu - vừa - đủ - xài - sung”, nguyện năm mới sẽ có thêm nhiều của cải đủ xài, gia đình sung túc ngày càng đi lên, sung sướng, đủ đầy.

Đêm Giao thừa, các gia đình ở nông thôn quây quần nấu bánh tét, cả nhà tụ họp vừa gói, vừa nấu, vừa canh nồi bánh tét suốt cả đêm, ngược lại người ở thành thị thì đi dạo phố, xem pháo hoa, vào chùa xin lộc đầu năm.

 Ngày đầu năm, con cháu đứng trước mặt ông bà, cha mẹ để mừng tuổi, chúc thọ, chúc phúc, trẻ con được nhận bao lì xì từ người lớn. Ảnh: H.A

Ba ngày Tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm hỏi, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý.

Ngày đầu năm, con cháu đứng trước mặt ông bà, cha mẹ để mừng tuổi, chúc thọ, chúc phúc, trẻ con được nhận bao lì xì từ người lớn. Những đoàn múa lân với trang phục sắc thái khác nhau kèm tiếng trống giòn giã trong ba ngày Tết đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với người dân Nam Bộ…

Theo dòng chảy thời gian, không khí đón Tết ngày nay ở miền Tây cũng có nhiều thay đổi bởi hiếm khi xuất hiện hình ảnh cây nêu trước nhà, tiếng quết bánh phồng cũng thưa dần…

Thời đại số phát triển mạnh mẽ, Tết bây giờ thật giản đơn, có người quên đi viếng ông bà, người thân, thầy cô... Trẻ con thì lên lịch hẹn nhau đi dã ngoại trong suốt mấy ngày Tết. Thanh niên gặp nhau chào hỏi nhau đôi ba câu là lai rai, hát hò suốt ngày vì không biết phải làm gì. Nhưng hầu hết thế hệ ông bà, đến thế hệ 7x, 8x chúng tôi,… vẫn đang cố gắng gìn giữ những nét đẹp truyền thống của Tết như tảo mộ, dọn dẹp nhà cửa, đưa ông Táo về trời, con cháu tề tựu về đại gia đình mừng tuổi ông bà, cầu chúc cho nhau những điều may mắn trong năm mới…

Lượt xem: 4
Nguồn:thanhtra.com.vn Sao chép liên kết