Thế nào là người có thu nhập thấp?

Khái niệm “người có thu nhập thấp” rất quen thuộc. Thế nhưng “bao nhiêu là thấp” hóa ra lại không dễ trả lời.

Thế nào là người có thu nhập thấp?

Cần làm rõ và thống nhất các tiêu chí về thu nhập, để người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Ảnh: Hải Nguyễn

Một người bạn mới xin được việc làm ở một công ty tư nhân. Hai tháng thử việc, anh nhận lương 14 triệu/tháng. Anh nói rằng, với mức lương này, anh trở thành người “có thu nhập thấp”. Tại sao lại như vậy, anh bạn dẫn ra nghị định mới nhất, đó là Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.8.2024, tại điều 30 có ghi rằng, “đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hộingười lao động độc thân có thu nhập hằng tháng không quá 15 triệu đồng. Với người đã kết hôn, vợ chồng có thu nhập dưới 30 triệu đồng”.

Nghe có vẻ sai sai nhưng đúng là có lý thật. Khái niệm người có thu nhập thấp được sử dụng nhiều trong các chính sách hỗ trợ mua nhà, vay vốn nhưng ngay ở các quy định của pháp luật vẫn chưa thống nhất được tiêu chí cũng như mức tiền của “người có thu nhập thấp”.

Luật thuế hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo, khuyến học). Như vậy thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở xuống không phải đóng thuế, nghĩa là thấp?

Chưa hết, khi vay vốn, Thông tư 33/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ, trình tự cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô lại quy định cá nhân có thu nhập thấp rằng: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập bình quân tối đa 9 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn; Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân tối đa 7 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn. Thế nên mới có chuyện người lao động thu nhập 10 triệu đồng/tháng (vốn thấp ở thành thị) đã bị từ chối vay vốn thì không còn ở diện “thu nhập thấp”.

Rõ ràng đã có độ vênh về khái niệm người có thu nhập thấp và khác nhau từ Luật Thuế, Nghị định 100 và thông tư 33.

Tại Nghị trường Quốc hội hồi tháng 10.2023, khi bàn về dự thảo Luật Nhà ở, nhiều ĐBQH cho rằng: Hiện nay việc xác định thế nào là người có thu nhập thấp chưa được quy định cụ thể; do đó đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa tiêu chí “người có thu nhập thấp” đối với từng đối tượng cụ thể, để bảo đảm chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp.

Đến tháng 6.2024, Chính phủ ra Nghị quyết 82, trong đó, yêu cầu: Bộ Tư pháp khẩn trương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên quan đến việc bổ sung tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp để thụ hưởng chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Xây dựng tiêu chí đồng bộ về người có thu nhập thấp là điều cần làm, mục đích chính là mang lại hiệu quả cho các chính sách đúng đối tượng và có tính khả thi cao.

Lượt xem: 6
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.