Tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu phòng, chống Covid-19
Công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn lây lan mạnh, nhất là đối với trẻ em.
Bài học kinh nghiệm qua hơn hai năm phòng, chống dịch được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.
Thời điểm này năm trước, cả nước đang phải gồng mình chống đại dịch Covid-19. Để có được những ngày bình thường mới như bây giờ, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine an toàn, hiệu quả, lớn nhất trong lịch sử (bắt đầu từ tháng 3-2021). Tính đến ngày 28-8-2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 255 triệu liều vaccine phòng Covid-19, là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Italy, Pháp. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từng bước đạt được mục tiêu đề ra, với gần 15 triệu liều vaccine đã được tiêm.
Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức Trung thu sớm cho hơn 2.000 bệnh nhi điều trị tại bệnh viện. |
Tại chiến dịch truyền thông tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi với chủ đề “Vui Trung thu và tựu trường an toàn” mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: WHO và các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân; hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trẻ em được đến trường học tập bình thường, an toàn, để phụ huynh học sinh, thầy, cô giáo yên tâm, không lo lắng, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Nhớ lại những ngày này năm trước, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả khi ứng phó với dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp; tại hầu hết các địa phương, ngày khai giảng phải tổ chức trực tuyến, học sinh, sinh viên không được đến trường. Tuy nhiên, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", phục hồi và phát triển kinh tế, khôi phục đời sống văn hóa, xã hội. Hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trong cả nước phấn khởi, háo hức trong ngày tựu trường”.
Ông Maharajan Muthu, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam đã trở thành tấm gương trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua, cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine thuộc hàng bậc nhất trên thế giới. “Sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp chính quyền địa phương cùng với tinh thần đoàn kết của người dân xuyên suốt giai đoạn này sẽ là bài học kinh nghiệm then chốt của thời kỳ đại dịch. Cùng với Trung thu, một năm học mới đã đến. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bậc phụ huynh, cha mẹ bảo đảm sức khỏe cho con mình. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho con bạn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ để chống lại Covid-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong”, ông Maharajan Muthu nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Maharajan Muthu cũng cho rằng, hiện có nhiều thông tin sai lệch về vaccine phòng Covid-19 có thể vẫn còn tràn lan trong xã hội, gây ra những lo ngại không đáng có, khiến nhiều người, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ trì hoãn tiêm vaccine cho trẻ em. “Vaccine nói chung và vaccine phòng Covid-19 nói riêng đã được kiểm định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn cho người được tiêm chủng bao gồm cả trẻ em. UNICEF cùng với các đối tác và Bộ Y tế tin rằng tiêm chủng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa đã chứng tỏ thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong cũng như số ca bệnh nặng", ông Maharajan Muthu khẳng định.
Cùng quan điểm với đại diện của UNICEF, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ, hiện nay, chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân và trẻ em. Hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bài và ảnh: DIỆP CHÂU