Tiểu thuyết hấp dẫn của một nhà văn trẻ

“Nắng thổ tang” (NXB Hội Nhà văn, năm 2021) của Thượng úy, nhà văn Đinh Phương (Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là tiểu thuyết được trao Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 2022.

“Nắng thổ tang” được Đinh Phương triển khai dựa trên sự am tường và tình yêu dành cho mảnh đất quê hương Mạo Khê (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cùng cảm hứng về lịch sử dân tộc với 3 điểm nhấn chính là cái kết bi thảm của cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân Đảng khởi xướng tại pháp trường Yên Bái năm 1930; phong trào rước Chúa vào Nam năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960.

     Bìa tiểu thuyết "Nắng thổ tang".

Trên “bộ khung” không gian, thời gian đầy ắp biến cố ấy, Đinh Phương đã “sắp mâm”, chiều lòng bạn đọc một cách khéo léo, tinh tế. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang hội tụ đầy đủ những yếu tố tạo nên sức hút cho một tác phẩm văn học: Có “đại tự sự” là mâu thuẫn đối kháng gay gắt giữa nhân dân Việt Nam yêu nước với những kẻ xâm lược và giai cấp thống trị tay sai; có “tiểu tự sự” là cuộc đời, thân phận của những con người; có chất “ngôn tình” với những câu chuyện tình yêu gồm đủ các “biến thể” thù hận, ghen tuông... của hàng loạt cặp đôi oan trái như giữa Hòa-Hằng, giữa B và Xuân, giữa Lân và Uyển, giữa bố mẹ Hòa, giữa tôi-Hằng; có mùi vị “trinh thám”, phá án qua câu chuyện về cái chết bí ẩn của Hằng và sự biến mất của cái đầu lâu ở Mạo Khê.

Bên cạnh đó, “Nắng thổ tang” cũng thấm đẫm sắc màu văn hóa tâm linh với những trang văn miêu tả cái kỳ ảo, huyền bí của phong tục cổ trong đời sống văn hóa dân tộc và những biến động dữ dội của người theo đạo Thiên Chúa trên hành trình xuống Hải Phòng để vào Nam. Song nếu chỉ dừng lại ở những yếu tố trên, "Nắng thổ tang" hẳn nhiên sẽ là một “nồi lẩu thập cẩm”. Điểm đáng chú ý nhất ở cuốn tiểu thuyết này, theo tôi, nằm ở cách Đinh Phương diễn giải về cái ác, một phạm trù triết học quan trọng, đã xuất hiện từ thuở bình minh của thể loại là văn học dân gian cho đến ngày hôm nay.

Cái ác trong “Nắng thổ tang” xuất hiện ở những người bình thường nhất đến những người có địa vị cao quý, nghèo khổ nhất và giàu có nhất, mạnh mẽ nhất và yếu đuối nhất. Cái ác tồn tại trong cả đàn ông và đàn bà, trong người già và trẻ con... Cái ác không phải xuất hiện trong không gian âm u, ít người mà giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của đám đông...

Quy luật cuộc sống đã chỉ ra, càng có nhận thức đúng đắn về bản chất của sự vật, chúng ta càng không để những điều xấu xa xảy ra. Một nhận thức đúng đắn về cái ác sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái ác. Đó là phương cách các văn nghệ sĩ khi sáng tác về cái ác, cái xấu trong xã hội rất khác biệt so với các loại hình thông tin và truyền thông. Bởi lẽ, phương thức của thông tin và truyền thông có tính đại chúng là phê phán trực diện, không vòng vo về cái ác, cái xấu, có tính cảnh báo, răn đe những ai đừng để bàn tay "nhúng chàm". Văn nghệ nói chung, trong đó có văn học phải sử dụng hình tượng, các thủ pháp nghệ thuật khi nói về cái ác, cái xấu, mục đích là để công chúng ấn tượng sâu đậm, ghê tởm, tránh xa tội ác. Cho nên, cần phải hiểu nhiệm vụ của mỗi phương cách, nhất là hiểu những ẩn ý đằng sau việc sử dụng hình tượng nghệ thuật.

Do vậy, tiểu thuyết “Nắng thổ tang” được trao giải thưởng vì điều đó! 

TS ĐOÀN MINH TÂM

Tags: qdnd
Lượt xem: 1.612
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.