Xóa mù chữ cho người dân biên giới
Đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn hai huyện Quế Phong và Kỳ Sơn (Nghệ An), bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (KT-QP), Quân khu 4 còn mở các lớp xóa mù chữ cho bà con nhân dân, góp phần nâng cao dân trí nơi vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Thường lệ, hơn hai tháng nay, cứ vào mỗi buổi tối, bà con bản Kẻm Đôn (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) lại háo hức gọi nhau đi học lớp xóa mù chữ do cán bộ và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4 tổ chức. Đúng 19 giờ, tại Nhà văn hóa cộng đồng bản Kẻm Đôn, các mẹ, các chị đủ lứa tuổi, tay cầm đèn pin, trên vai đeo túi đựng sách, vở đã có mặt đông đủ để theo học con chữ.
Chị Lô Thị Hoài Trinh, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4-giáo viên lớp học cho chúng tôi biết: “Lớp xóa mù chữ ở bản Kẻm Đôn được mở vào các buổi tối trong tuần và kéo dài trong 6 tháng, với mục tiêu kết thúc khóa học, 100% các mẹ, các chị đều biết đọc, biết viết. Hiện nay, lớp có 46 học viên là phụ nữ dân tộc Thái tham gia. Sau khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành lớp xóa mù chữ của địa phương”.
Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 hướng dẫn bà con học chữ. |
Có mặt thực tế ở lớp học, chúng tôi nhận thấy các học viên đều rất chăm chú, tập trung nghe giảng. Những bàn tay thô ráp vốn quen với con dao, cái cuốc, nay nắn nót, miệng ê a theo từng con chữ, với mong muốn biết viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông để nâng cao hiểu biết.
Chị Lương Thị Chuyên, nhà cách lớp học hơn 2km nhưng tối nào cũng đi học đầy đủ, đến lớp đúng giờ. Trò chuyện với chúng tôi, chị hồ hởi: “Được đi học con chữ, chị em mình ai cũng mừng. Trước đây do không được đi học nên mình không biết gì, bán gà, bán rau cũng không biết tính tiền bằng chữ. Nay được đi học, biết chữ, biết tính toán, đi chợ cũng dễ dàng hơn”.
Kẻm Đôn là bản vùng sâu, vùng xa của xã Tri Lễ với đa số đồng bào dân tộc Thái sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ của người dân trong bản, đặc biệt là chị em phụ nữ còn rất cao. Trước thực trạng đó, Đoàn KT-QP 4 đã phối hợp với chính quyền, ban, ngành địa phương mở lớp xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho nhân dân và tích cực tuyên truyền, vận động chị em đến lớp.
Đến nay, qua hai tháng tổ chức, hơn 60% chị em đã biết nhận dạng mặt chữ, biết đánh vần và áp dụng những kiến thức được học vào cuộc sống hằng ngày. Đồng chí Vi Văn Du, Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ cho biết: “Việc mở lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ là nỗ lực của xã Tri Lễ, cùng với sự tham gia nhiệt tình của bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4. Lớp học xóa mù chữ không những giúp chị em nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 4 với nhân dân trên địa bàn. Qua tuyên truyền, vận động, bà con hăng hái đến lớp, đến nay nhiều người đã biết đọc, biết viết, nhờ đó tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống”.
Mang câu chuyện lớp học xóa mù chữ trao đổi với Thượng tá Trương Xuân Nhuận, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 chúng tôi được biết thêm, thời gian qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án trồng trọt, chăn nuôi, giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, Đoàn KT-QP 4 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong và huyện Kỳ Sơn mở được 5 lớp xóa mù chữ trên địa bàn hai huyện. Sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp với địa phương khảo sát, tiếp tục mở thêm các lớp xóa mù chữ ở một số xã khác với mong muốn đồng hành với địa phương xóa hết nạn mù chữ trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Chúng tôi rời Nhà văn hóa cộng đồng bản Kẻm Đôn trong tâm trạng đầy niềm vui. Nhà văn hóa bản vẫn sáng đèn cùng những tiếng ê a đọc bài. Trên các cung đường của bản vùng biên xã Tri Lễ, hành trình ước mơ tìm con chữ đã trở thành hiện thực dù vẫn còn những gian nan, vất vả. Cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của thầy, cô giáo bộ đội và trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 4, người dân bản Kẻm Đôn đang nỗ lực từng ngày, từng giờ chuẩn bị hành trang để đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, nâng cao dân trí.