Đà Nẵng: Nâng cao năng lực truyền thông Chương trình giảm nghèo thông tin

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông Chương trình giảm nghèo về thông tin cho các phóng viên, biên tập viên tại Đà Nẵng.

Sáng 16/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực truyền thông Chương trình giảm nghèo thông tin
Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Hồ Hồng Hải – Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tập huấn nhằm nâng cao năng lực công tác truyền thông chính sách về chương trình giảm nghèo thông tin cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tại chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các thông tin có liên quan đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, thông tin cho người dân sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thiết yếu cho xã hội trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Ngoài ra, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Chia sẻ tại chương trình, ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc cho biết, công tác dân tộc trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Có thể nhắc đến như về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội 100% huyện có đường đến trung tâm huyện, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia… Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ nét; sự nghiệp giáo dục – đào tạo và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ đi học đúng tuổi ở tiểu học đạt 99,35%...; các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn phát huy…

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, một số mục tiêu quan trọng trong công tác dân tộc chưa đạt được. Khoảng cách chênh lệch, mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp. Đáng chú ý, chênh lệch hộ nghèo của vùng dân tộc thiểu số ngày càng có xu hướng tăng. Đặc biệt là đối với một số nhóm dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 người có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Bên cạnh đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản không còn hộ đói nhưng Chính phủ vẫn phải cấp hàng chục ngàn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các tỉnh có đông đồng bào đồng bào thiểu số.

Hiện nay vẫn còn 1.551 xã đặc biệt khó khăn; 51 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã; 13.222 thôn đặc biệt khó khăn.

Chưa hoàn thành công tác định canh định cư, chấm dứt tình trạng di cư tự do; chưa giải quyết được vấn đề đất sản xuất cho nông dân thiếu đất.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là nơi tồn tại “năm nhất”: Địa bàn khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất.

Ngoài ra, vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục. Còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đà Nẵng: Nâng cao năng lực truyền thông Chương trình giảm nghèo thông tin
Tập huấn nhằm nâng cao năng lực công tác truyền thông chính sách về chương trình giảm nghèo thông tin cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đóng tại TP. Đà Nẵng

Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc chỉ ra 5 nguyên nhân của những hạn chế trên gồm: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân tộc, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị quyết; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số. Chính sách, pháp luật được ban hành chủ yếu là hỗ trợ, chưa ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chưa chú trọng đúng mức phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hoá của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển. Một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống. Cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ trong việc thực hiện các chương trình, dự án.

Lượt xem: 3
Tác giả: Vũ Lê