Giữ gìn nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại

Vào trung tuần tháng 10-2022, tại quê hương núi Đọi sông Châu, Cục Biểu diễn nghệ thuật phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022.

Đây là dịp để tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo Việt Nam - một loại hình nghệ thuật truyền thống đã được Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di sản chèo đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.       

Sức hấp dẫn của chèo và những "nốt lặng"

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sân khấu chèo cách mạng đã có hơn 70 năm hình thành và phát triển. Từ chỗ chỉ là một vài rạp hát, một vài gánh chèo, vào lúc hưng thịnh nhất cả nước có tới gần 20 đoàn, nhà hát chèo chuyên nghiệp, hàng trăm đội chèo của thôn, xã, huyện, tỉnh. Bên cạnh các vở diễn lớn, nhỏ, hát chèo cũng là bộ môn nghệ thuật rất được yêu thích, có thời điểm tiếng hát chèo trở thành “món ăn” tinh thần cho hàng nghìn người nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào buổi trưa hằng ngày. Nói như vậy để thấy rằng chèo đã có một chỗ đứng vững chắc trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả.

Chèo là sân khấu thuần Việt, mang những nét đặc trưng cơ bản của sân khấu Á Đông. Kết cấu của vở là kết cấu của sân khấu kể chuyện-nghĩa là tôi đang kể lại câu chuyện đã diễn ra. Điều này chúng tôi cho rằng đó là chìa khóa để hiểu chèo và làm chèo thành công. Khi hiểu chèo là sân khấu kể chuyện thì cấu trúc kịch bản sẽ không phải tuân thủ các nguyên tắc chương hồi của kịch nói, là câu chuyện đang diễn ra nữa, nghĩa là không phải đời thường. Khi tôi diễn tả, kể lại câu chuyện thì tôi có quyền kể bằng nhiều cách.

Cảnh trong vở chèo “Trung trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội đoạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2022. Ảnh: CHÂU XUYÊN

Chính vì vậy, ngoài đời không thể có chuyện ai đó nói bằng thơ, đang nói thì hát, đang hát thì múa, như vậy người ta bảo... không bình thường. Nhưng chèo thì được phép. Chèo cho nhân vật nói bằng thơ, nhân vật hát, nhân vật múa, thậm chí cười điên dại. Chèo cho nhân vật giao lưu với khán giả: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?” (nhân vật hề chèo).

“Chị em ơi, người đâu mà cứ đẹp như sao băng thế nhỉ!?” (nhân vật Thị Mầu). Hay chỉ trong có 8 câu nói sử mà Lưu Bình đã kể hết hoàn cảnh của mình và mối quan hệ của mình với Dương Lễ ra sao. Là kể chuyện mà một cây quạt có thể làm mái chèo, có thể làm nón, có thể làm gậy... Nhờ tính kể chuyện mà chỉ cần một gánh đồ người xưa có thể đi diễn chèo quanh năm.

Hơn 70 năm qua, những người làm chèo, bằng biết bao tâm lực đã cố gắng hết mình để nghệ thuật chèo ngày một hấp dẫn khán giả. Nhưng dường như số phận chưa an bài với chèo, bộ môn nghệ thuật này cũng thăng, trầm như số phận của nhân vật Thị Kính, Xúy Vân, thị Phương, Trinh Nguyên...     

Với câu chuyện của chèo hôm nay, hay còn gọi là chuyện làm chèo trong đời sống đương đại, vì không hiểu sâu về tính tự sự trong chèo mà một số người có vị trí, có tính chất quyết định sự sống còn của một đơn vị nghệ thuật hay một tác giả, một nghệ sĩ đang biến chèo trở thành kịch nói cắm hát. Lối văn kể chuyện không còn mà thay vào đó là ngôn ngữ rất đời thường, nhân vật nói theo tính cách, diễn viên ít được  múa, ít được hát. Chẳng nhẽ diễn chèo lại không có hát, họ cho nghệ sĩ hát vài bài lấy lệ.

Bỏ qua nói lối, vỉa bắc cầu tinh tế của chèo, thích cho nhân vật hát thế nào tùy, miễn là có hát để nghe có vẻ chèo. Hầu hết kịch bản của các vở diễn ngày nay đang chuyển thể từ kịch nói; cấu trúc không được thay đổi đáng kể nên có những vở diễn dù tác giả chuyển thể chèo “xịn”, trổ hết tài năng vẫn khó cứu được, vì bản thân cốt truyện, câu chuyện kịch, cấu trúc kịch là kịch nói rồi.

Vì vậy mà mới có chuyện đáng tác từng xảy ra, đó là trong tổng số 16 vở tham gia Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc về đề tài hiện đại năm 2011, tại Thái Bình đã có đến hơn 10 vở ghi 2 chữ “chuyển thể”, vì thế, giới làm nghề đánh giá: Đều không phải là chèo đích thực.

Tìm lại giá trị thực của nghệ thuật chèo

“Có tích mới dịch nên trò”, câu chuyện muôn thuở vẫn là yếu tố kịch bản. Hiện nay sân khấu chèo nói riêng và sân khấu kịch hát nói chung đang thiếu, rất thiếu tác giả kịch bản. Vì sao thiếu? Thiếu bởi vì để trở thành một tác giả kịch bản sân khấu kịch hát vô cùng gian nan.

Trước tiên người đó phải yêu nghề, say nghề, có năng khiếu viết kịch. Rồi phải biết làm thơ, biết viết lối văn biền ngẫu, biết gieo vần trong văn, biết và thuộc các làn điệu hát. Thuộc rồi lại phải biết tính chất của làn điệu, khi nào nhân vật hát điệu này, khi nào thì hát điệu kia. Xin nói thật lòng là có rất nhiều nhà văn trở thành nhà viết kịch nhưng rất ít nhà thơ, kể cả nhà văn trở thành nhà viết chèo hoặc kịch hát dân tộc nếu không có hai chữ cụm từ “chuyển thể”.

Yếu tố trọng tâm nữa, hiện nay chúng ta đang thiếu đạo diễn chèo đúng nghĩa. Đạo diễn chèo là phải hiểu thấu đáo bộ môn nghệ thuật này và nắm được những nguyên tắc cơ bản của chèo. Nói cách khác, đạo diễn chèo phải là người có tư duy của người làm sân khấu tự sự, đó là sân khấu của tích dịch nên trò, sân khấu trò diễn.

Đội ngũ diễn viên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ chèo không hiểu thấu đáo về nghệ thuật chèo, họ được đạo diễn nhồi trong đầu: “Sao diễn anh công an, chị lao công, cán bộ lại cứ phải khua chân múa tay”. Họ có biết đâu rằng đó là nhân vật do họ đóng vai, họ đang kể lại câu chuyện theo lối kể riêng của nghệ thuật chèo là tả ý, tả thần.

Khán giả đang nghe họ kể lại, họ kể thế nào cho mượt mà, cho duyên dáng là việc của họ, sao lại phải diễn như "ông A, ông B" ngoài đời vậy. Cái khó nhất là đội ngũ diễn viên chèo ngày càng bị mất “màu” chèo. Do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, các nghệ sĩ phải lo "cơm áo gạo tiền" nên có người đài từ không nuột, giọng hát không thanh, nhịp phách lộn xộn, không còn cái tinh túy của một nghệ sĩ chèo.

Yếu tố để sân khấu chèo tồn tại hay không, sáng đèn hay không chính là khán giả. Nhiều năm qua, họ đã được xem phim truyện, được xem kịch nói, được cùng sống, chết với nhân vật, thi thoảng mới được xem một vở chèo thì lại chính là kịch-chèo nên tư duy của một khán giả xem chèo không còn. Dần dần họ chán ghét kiểu đang sắp chết... lại còn hát. Và những người làm kịch cắm hát lớn tiếng cho rằng: Tôi làm thế nào thì làm, miễn là đông khán giả. Thế thì hỏng chèo rồi còn đâu!

Làm thế nào để giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo luôn là nỗi trăn trở của những người làm chèo và yêu chèo bao lâu nay, dù rằng sự quan tâm của ngành văn hóa, hội nghề nghiệp vẫn thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn, hay những cuộc họp bàn luận mang ý nghĩa giữ gìn và phát huy nghệ thuật chèo. Thiết nghĩ, để phát huy nghệ thuật chèo trong đời sống đương đại, trước hết cần có những kịch bản chèo. Nghĩa là viết theo cấu trúc kể chuyện, viết bằng thơ và nhân vận nói hát bằng thơ.

Muốn vậy, phải đào tạo đội ngũ nhà soạn chèo. Cần nữa là quan tâm đầu tư, chăm chút đời sống nghệ sĩ, diễn viên, tác giả... để họ sống được bằng nghề, yêu nghề, say nghề. Cần dạy cho học sinh-thế hệ khán giả mới hiểu về chèo và các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc, qua đó các em hiểu, yêu say các bộ môn truyền thống và biết đến chèo. Cũng có thể qua những buổi học chính thức (hay ngoại khóa) nhiều em có thể trở thành tác giả, đạo diễn, diễn viên của chèo. Hoặc chí ít khi hiểu chèo các em cũng là những khán giả biết thưởng thức chèo. Tổ chức nhiều hơn những cuộc liên hoan, hội diễn chèo chuyên nghiệp và không chuyên, qua những cuộc như thế nhiều nghệ sĩ chèo tài năng của cả chuyên nghiệp và không chuyên sẽ được phát hiện, phát huy tài năng gìn giữ nghệ thuật chèo. Cần nữa là các nhà hát, các nghệ sĩ chèo cũng cần lên các mạng xã hội để tự quảng bá cho mình, cho chèo.

Thực tế cho thấy, đây là cách tiếp cận khá mới, tương đối khó với một số nghệ sĩ, nhưng cũng rất nhanh chóng “đi sâu vào quần chúng”, để công chúng tiếp cận nhanh nhất, có chọn lọc với bộ môn nghệ thuật này.

Vẫn biết trong thời mở cửa, mọi hoạt động được vận hành theo cơ chế thị trường, làm sao thì làm cũng phải cố tạo ra giá trị thặng dư cao nhất. Nhưng những người làm chèo, yêu chèo mong muốn và góp sức mình gìn giữ loại hình nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc, để chèo luôn đặc sắc và có giá trị trong lòng đông đảo khán giả. Người làm chèo và yêu chèo rất tự hào khi Chính phủ đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ di sản chèo đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Soạn giả MAI VĂN LẠNG, Đài Tiếng nói Việt Nam

 

Tags: chèo