iPhone 14 “châm ngòi” cho cuộc đua liên lạc qua vệ tinh

Với tính năng SoS khẩn cấp của iPhone 14, Apple trở thành nhà tiên phong trong thị trường điện thoại kết nối vệ tinh giá rẻ vừa khởi phát.

Hôm 7/9, hãng Apple, gã khổng lồ công nghệ xứ Cupertino, California, ra mắt dòng điện thoại iPhone 14 mới với tính năng SOS khẩn cấp, cho phép truyền đi các thông báo khẩn cấp và dữ liệu vị trí từ những nơi không có sóng di động.

Không chỉ Apple mà cả Alphabet, chủ sở hữu Google, và nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc Huawei, cũng đang chạy đua để tích hợp công nghệ mới nhằm “loại bỏ vùng chết di động”, giúp người dùng điện thoại thông minh thông thường có thể kết nối ở các vùng sâu, vùng xa.

Công nghệ - iPhone 14 “châm ngòi” cho cuộc đua liên lạc qua vệ tinh

Tính năng liên lạc khẩn cấp qua vệ tinh trên iPhone 14. Ảnh: Fossbytes

Lãnh đạo ngành công nghiệp vệ tinh cho biết Apple đã có thể sớm tạo dựng được chỗ đứng bằng cách tiếp cận các công ty vệ tinh vào đầu năm 2019. Nhà sản xuất iPhone cuối cùng đã ký một thỏa thuận độc quyền với Globalstar nhằm sử dụng 85% dung lượng của công ty vệ tinh này. Quyết định của Apple khiến các công ty phần cứng khác mất cơ hội sử dụng cơ sở hạ tầng của Globalstar để khởi chạy các dịch vụ cạnh tranh.

Theo một báo cáo từ Reuters, Apple đang đầu tư 450 triệu USD vào cơ sở hạ tầng vệ tinh. Phần lớn khoản đầu tư đó sẽ được chuyển đến Globalstar. Apple cũng đồng ý trả 95% chi phí cho các vệ tinh mới liên quan đến tính năng này, theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC).

Ông Tim Farrar, Chủ tịch Công ty Tư vấn Công nghiệp Viễn thông TMF Associates cho biết, Apple sẽ tiêu tốn tới 50 triệu USD vào các vệ tinh của Globalstar vào năm 2026.

“Globalstar có doanh thu 124 triệu USD vào năm ngoái. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 185 - 230 triệu USD vào năm 2023. Có nghĩa là Apple sẽ trả khoảng 110 triệu USD cho Globalstar vào năm tới”, ông nhận định.

Cuộc đua liên lạc vệ tinh

Tuần trước, Huawei cho biết điện thoại thông minh Mate 50 mới của hãng sẽ có thể gửi tin nhắn ngắn trong trường hợp khẩn cấp qua Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou, phiên bản Hệ thống định vị toàn cầu của chính phủ Trung Quốc.

Đầu tháng 8, một lãnh đạo của Google viết trên Twitter rằng công ty đang thiết kế phiên bản Android tiếp theo để hỗ trợ liên lạc qua vệ tinh.

Hiroshi Lockheimer, phó chủ tịch cấp cao của Google, cho biết trong một tweet: “Thật hào hứng khi nghĩ về trải nghiệm người dùng đối với điện thoại kết nối với vệ tinh”, ông Hiroshi Lockeimer, Phó Chủ tịch cấp cao của Google, cho biết.

Hồi tháng 7, Công ty viễn thông Iridium cho biết, họ đã đạt được một thỏa thuận phát triển công nghệ sử dụng trong điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Iridium từ chối nêu tên đối tác trong hồ sơ của mình.

“Mỗi năm, có hơn một tỷ chiếc điện thoại thông minh mới ra đời. Sẽ có đến khoảng 7 tỷ chiếc điện thoại thông minh trên thị trường trong những năm tới”, Giám đốc điều hành Iridium Matt Desch nói với các nhà đầu tư vào tháng 7. “Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một thị trường lớn để tạo ra bất kỳ loại kết nối nào với các thiết bị như điện thoại thông minh, và không chỉ dừng lại ở điện thoại thông minh”, ông nhận định.

Các công ty vệ tinh khác cũng đang theo đuổi các thỏa thuận với các nhà mạng viễn thông. Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã đồng ý phát triển các liên kết vệ tinh di động cho T-Mobile trong một thỏa thuận được công bố vào tháng trước.

Công nghệ - iPhone 14 “châm ngòi” cho cuộc đua liên lạc qua vệ tinh (Hình 2).

Elon Musk, người sáng lập SpaceX và Mike Sievert, CEO T-Mobile trong một sự kiện tại Texas, ngày 25/8/2022. Ảnh: CNBC

Theo đó, người dùng T-Mobile sẽ sử dụng sóng vệ tinh Starlink mà SpaceX phóng lên để gửi và nhận tin nhắn, cũng như sử dụng các ứng dụng nhắn tin từ xa, CEO SpaceX cho biết.

Một công ty nữa là Lynk Global cũng tuyên bố, họ đã trở thành công ty đầu tiên gửi tin nhắn từ không gian trong một cuộc thử nghiệm vào năm 2020 đối với vệ tinh của mình.

Năm ngoái, tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T Inc. cho biết, họ sẽ sử dụng vệ tinh do công ty truyền thông OneWeb vận hành để cung cấp liên kết đến các tháp điện thoại di động từ xa. Tập đoàn viễn thông Mỹ Verizon Communications cũng đã ký một thỏa thuận tương tự với Amazon nhằm thiết lập mạng lưới vệ tinh internet băng thông rộng.

Chưa thể triển khai trong ngắn hạn

Dịch vụ liên lạc khẩn cấp qua vệ tinh của iPhone sẽ được kích hoạt từ tháng 11, và mới đầu chỉ khả dụng ở Mỹ và Canada. Tuy nhiên, dịch vụ này có thể yếu hơn ở các vùng phía bắc của bang Alaska, và không phải tất cả khách du lịch quốc tế đều có thể sử dụng tính năng này.

Ngay cả trong điều kiện tốt nhất - bầu trời trong xanh- người dùng vẫn cần 15 giây để gửi tin nhắn qua dịch vụ của iPhone. Họ cũng sẽ phải làm theo hướng dẫn trên màn hình để giữ thiết bị hướng vào vệ tinh mà họ đang sử dụng. Quá trình gửi tin nhắn có thể mất hơn một phút nếu có tán lá che phủ.

Theo CEO của Link Global, những hạn chế về dung lượng vệ tinh khiến việc cho việc cung cấp tốc độ cao cho số lượng lớn người dùng trở nên khá khó khăn. Điều này sẽ thay đổi theo thời gian khi các nhà khai thác triển khai được các vệ tinh cải tiến lớn hơn, ông Miller nói.

Trong khi đó, SpaceX và T-mobile có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm dịch vụ vào năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch của họ cần phải được sự chấp thuận của Ủy ban Truyền thông Liên bang.

Cho đến nay các cơ quan chính phủ Mỹ đã cấp giấy phép cho hàng nghìn vệ tinh quỹ đạo thấp, có tác động lớn nhất đến các nhà thiên văn học.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chòm sao đã bắt đầu hình thành, các công ty viễn thông di động - vệ tinh vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn về quy định. “Các cơ quan quản lý chưa quyết định về giới hạn quyền lực từ không gian, cho nên vẫn còn những lo ngại về sự can thiệp, đặc biệt can thiệp xuyên biên giới quốc gia. Có rất nhiều vấn đề về quy định mà cho đến nay vẫn chưa được nghĩ đến”, ông Tim Farrar cho biết.

Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, The Verge, Spectrum)

Lượt xem: 87
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.