Kiệt tác của danh họa Tô Ngọc Vân
Những câu chuyện về danh họa Tô Ngọc Vân cùng kiệt tác “Hai thiếu nữ và em bé” được họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến chia sẻ hết sức cuốn hút trong buổi Art Talk do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh.
Mảnh đời tài hoa
Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ngày 15-12-1906, lớn lên tại Hà Nội. Ông được coi là một trong những họa sĩ bậc thầy của nền hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn).
Nói về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Những chấm nét, cách xử lý màu trong từng tác phẩm cho thấy ông thực chất là một tâm hồn Việt, mang bản sắc của người Việt. Giá trị mà danh họa Tô Ngọc Vân để lại trong từng tác phẩm cho thấy tâm hồn thanh sạch của ông được giữ trọn vẹn cho đến khi ông nằm xuống”.
Bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé”-Bảo vật quốc gia đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. |
Họa sĩ Tô Ngọc Vân là người tiên phong trong việc mang lại giá trị bản sắc cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. “Dù được thừa hưởng từ tinh hoa nghệ thuật phương Tây, nhưng bút pháp tranh sơn dầu của cố họa sĩ lại mang nét Việt, hồn Việt với chất liệu, bột màu châu Âu trong mỗi tác phẩm”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Trong những ngày tháng cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt ở Điện Biên Phủ, Tô Ngọc Vân lên đường ra trận, dùng tài năng hội họa để phục vụ kháng chiến. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cho biết: "Trên con đường kháng chiến, hình tượng trong những bức tranh của Tô Ngọc Vân là Tây Bắc, là bộ đội, là đời sống người dân... được ông vẽ bằng chiếc bút chì luôn mang bên mình".
Là một trong những học trò được Tô Ngọc Vân dìu dắt, họa sĩ Ngọc Linh ngậm ngùi chia sẻ: “Thầy là người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò. Trong ba lô của thầy lúc nào cũng có rất nhiều đồ. Thầy luôn sẵn sàng vẽ bất cứ khi nào, từ những thứ giản dị nhất”.
Năm 1954, trên đường đi thực hiện nhiệm vụ ký họa trực tiếp, họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh trong một vụ đánh bom ở đèo Lũng Lô.
Kiệt tác Bảo vật quốc gia
Hiện tại, danh họa Tô Ngọc Vân có khoảng 50 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có kiệt tác Bảo vật quốc gia “Hai thiếu nữ và em bé”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, việc sưu tầm, bảo quản tác phẩm này là sự may mắn với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bởi đây là hiện vật nguyên gốc chứng minh cho dòng chảy nghệ thuật nước nhà đầu thế kỷ 20.
Về quá trình tìm kiếm và sưu tầm bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé”, bà Nguyễn Hải Yến kể lại, năm 1964, người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam-họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cử nhân viên đến các gia đình ở Hà Nội sưu tầm những tác phẩm mỹ thuật giai đoạn cận đại. Khi ấy, làm việc tại bảo tàng có nhiếp ảnh gia Lê Vượng và nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cùng tìm kiếm tranh của các họa sĩ Đông Dương.
Ông Lê Vượng được một người bạn là nhiếp ảnh gia Đỗ Huân chỉ cho gia đình bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng ở Hà Nội, có một bức tranh của Tô Ngọc Vân. Khi đến xem, họ nhận ra đó là bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé”. Bức tranh được gia đình nhượng lại để đem về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Kiệt tác “Hai thiếu nữ và em bé” được Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1944. Tác phẩm mô tả đời sống người thành thị khi ấy qua hình ảnh hai thiếu nữ mặc áo dài tâm tình, bên cạnh là em bé ngồi chơi. Với gam màu ấm pha sắc trắng, xanh, hồng phớt, “Hai thiếu nữ và em bé” là sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp truyền thống Á Đông và chất liệu sơn dầu phương Tây.
Màu sắc và ánh sáng trên tranh phù hợp với mỹ quan của người phương Đông và thể hiện sự chuyển hướng trong khuynh hướng sáng tác của Tô Ngọc Vân. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn đánh giá, danh họa đã “hóa thạch” khoảnh khắc vẻ đẹp của người phụ nữ kinh thành trong một không gian yên bình. Bức tranh “Hai thiếu nữ và em bé” là một trong những tác phẩm để đời của danh họa, tạo nên giá trị thời đại ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau của nền hội họa Việt Nam.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN