Linh thiêng đền Mẫu Đồng Đăng nơi biên cương xứ Lạng

Từ bao đời nay, ngôi đền linh thiêng vùng biên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách thập phương đến chiêm bái mỗi năm.

Linh thiêng đền Mẫu Đồng Đăng nơi biên cương xứ Lạng

Theo truyền thuyết dân gian, đền Mẫu là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Ảnh: Khánh Linh

Tôi đến thị trấn vùng phên dậu phía Bắc vào một ngày cuối thu. Theo lời giới thiệu của người dân bản địa vùng biên, tôi có dịp đến thăm đền Mẫu Đồng Đăng - một chốn thờ tự linh thiêng nơi xứ Lạng.

Dẫn tôi đi tham quan ngôi đền tựa vào lưng núi, mặt hướng ra trung tâm thị trấn Đồng Đăng, anh Lương Minh Hoàng - người dân địa phương - chia sẻ: “Cùng với đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng) và đền Kỳ Cùng (TP Lạng Sơn), đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những nơi khách du lịch thường ghé thăm khi đến Lạng Sơn”.

Theo bia đá ở cổng đền ghi lại, đền Mẫu Đồng Đăng được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIX tại một mái đá sát chân núi, cách vị trí ngày nay khoảng 300m về phía Đông Bắc.

Khoảng vài chục năm sau, nhận thấy nơi đây chật hẹp, không mấy thuận tiện cho việc thờ phụng, nhân dân địa phương đã di chuyển đền đến vị trí hiện tại và dựng lên một bát hương nhỏ để thờ. Từ năm 1990, nhân dân địa phương đã đóng góp xây dựng lại đền.

“Tục truyền rằng Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, danh xưng là Quỳnh Hoa. Sau khi hết hạn về trời nhưng vẫn mang duyên nợ nơi trần thế, bà thường hiển linh giúp dân phù đời, cũng thường ngao du sơn thủy, thưởng ngoạn cảnh đẹp ở nhiều nơi. Khi chu du đến Lạng Sơn, bà thấy một ngôi chùa nằm tại vị trí phong cảnh hữu tình nhưng lại ít người qua lại vãn cảnh. Cỏ mọc che dấu chân, tượng và bia bị phủ bụi mờ. Bà ngồi tựa gốc cây thông, gảy đàn, cất tiếng hát ca ngợi thú sơn lâm, và đón đợi Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan khi ông vừa đi sứ Trung Quốc về. Mượn chuyện văn thơ, đối đáp chữ nghĩa, nàng nhắc khéo ông Trạng nguyên tu bổ lại ngôi chùa đẹp nhưng bị bỏ hoang ở vùng biên ải này. Ngay sau cuộc hội ngộ, Phùng Khắc Khoan nhận ra là Liễu Hạnh Công chúa, liền giao lại một khoản tiền, nhờ các vị phụ lão ở đây tu sửa chùa, và đề một câu thơ ở hành lang bên tả rồi ra đi. Câu thơ ấy là: “Tùng lâm tịch mịch phất nhân gia”, nghĩa là rừng sâu yên tĩnh có nhà Phật. Sau này, ngôi chùa được tôn tạo thành đền Mẫu Đồng Đăng như ngày nay”, anh Hoàng kể.

Trải qua hàng trăm năm thăng trầm lịch sử, đền Mẫu đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần. Ngày nay, đền đã khang trang và bề thế với 5 khu thờ tự.

Theo người dân địa phương, lễ hội chính của đền Mẫu Lạng Sơn diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng, nhưng từ những ngày đầu năm mới, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã hành hương về cửa đền để dâng lễ, cầu bình an, may mắn, phát tài phát lộc. Đặc biệt, không chỉ đến vào dịp đầu năm, người dân thập phương còn thường đến đền chiêm bái vào khoảng tháng 9, tháng 10 Âm lịch.

Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Minh Thảo - Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng - cho biết, mỗi năm đền đón khoảng 150.000 - 180.000 lượt khách thập phương đến chiêm bái.

Cũng theo bà Thảo, từ năm 2021, UBND thị trấn đã kiện toàn Ban Quản lý Di tích đền Mẫu gồm 9 thành viên, đồng thời thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm trong việc sử dụng và khai thác giá trị di tích, xử lý các hành vi tiêu cực, phản văn hóa. Ban quản lý di tích cũng tổ chức lễ hội hằng năm đảm bảo thuần phong mỹ tục, đúng quy định của Nhà nước.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.