Món quà của nghệ nhân Đào Soạn

Về thăm làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vào một ngày hè oi nóng, hay tin Nghệ nhân Ưu tú Đào Văn Soạn mới qua đời ở tuổi 80, tôi rất bất ngờ, nuối tiếc vì biết cụ trước đó vẫn đủ sức khỏe làm đàn mỗi ngày.

Trò chuyện với ông Trần Việt Hào, Trưởng thôn Đào Xá, tôi được biết: "Cụ Soạn là người duy nhất ở Đào Xá được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú về lĩnh vực chế tác nhạc cụ truyền thống. Khi còn sống, cụ Soạn đã phối hợp với thôn tổ chức một số lớp truyền dạy nghề làm đàn với mong muốn chấn hưng làng nghề. Cụ còn tặng thôn 11 cây đàn dân tộc để trưng bày ở nhà văn hóa thôn như một tư liệu quan trọng để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về làng nghề làm đàn truyền thống ở Đào Xá".

Nghề làm đàn đã xuất hiện ở Đào Xá gần 200 năm trước do cụ tổ nghề Đào Xuân Lan truyền dạy. Đã có thời kỳ làm đàn trở thành nghề chính của người làng Đào Xá. Năm 2009, Đào Xá được công nhận là làng nghề truyền thống của TP Hà Nội, tuy nhiên đến giờ, số hộ làm đàn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, 11 cây đàn của nghệ nhân Đào Văn Soạn để lại là món quà tinh thần của người dân Đào Xá, nhưng theo chúng tôi, việc các con trai của cụ theo nghề làm đàn mới là món quà lớn nhất.

11 cây đàn của nghệ nhân Đào Văn Soạn để lại được trưng bày tại Nhà văn hóa thôn Đào Xá. 

Ông Đào Anh Tuấn (con trai cụ Soạn) năm nay đã 58 tuổi, có 10 năm làm đàn, cho biết: "Khi bố tôi ngoài 70 tuổi, ông bị ốm và phải nằm viện cả năm trời. Tôi bèn nghỉ công việc lái xe về chăm sóc bố. Khi đó, có một số khách mang đàn đến nhờ cụ sửa đàn, nhưng sức khỏe yếu nên cụ chỉ tôi cách sửa cho khách. Đến khi cụ khỏe, cụ mong muốn tôi tiếp nối nghề làm đàn. Tôi nghe theo nên đến giờ, tôi mới có thâm niên hơn chục năm tuổi nghề".

Cũng giống như nghệ nhân Đào Văn Soạn, ông Tuấn không giỏi chơi đàn cho dù đã làm ra hàng trăm cây đàn thuộc 14 loại khác nhau. Tuy nhiên, người thợ làm đàn lại có đôi tai thẩm âm vô cùng chuẩn xác, từ đó có thể đáp ứng mọi yêu cầu về âm thanh, trường độ của khách hàng. “Cùng một loại đàn, có khách muốn làm đàn để hát chèo, có khách muốn dùng để hát cải lương nên cách chế tác cũng khác nhau đôi chút. Hoặc như cây đàn nguyệt dùng cho hát văn thì cần tiếng trầm, nhưng khi mang lên sân khấu diễn thì tiếng bổng hơn. Mỗi loại đàn có những kỹ thuật chế tác riêng. Thùng đàn chỉ cần khác nhau độ dày mỏng, non tay đục, già tay bào một chút cũng sẽ cho ra những âm thanh khác nhau nên người làm đàn cần có kỹ thuật tốt và tính tỉ mỉ”, ông Tuấn cho biết.

Ông Trần Việt Hào cho hay, làng nghề làm đàn Đào Xá đang đứng trước nguy cơ mai một, hiện trong làng chỉ còn các con của nghệ nhân Đào Văn Soạn làm đàn. Nguyên nhân có thể kể đến như nguyên liệu làm đàn ngày càng khan hiếm, học nghề làm đàn thường phải mất từ 2 đến 3 năm, nhu cầu thị trường không cao nên thu nhập thấp, xung quanh làng có một số khu công nghiệp nên thanh niên thường lựa chọn làm công ty có thu nhập ổn định hơn và không mất thời gian học nghề.

"Thôn Đào Xá rất trân trọng 11 cây đàn dân tộc mà nghệ nhân Đào Văn Soạn tặng trước khi qua đời. Cho dù nghề làm đàn truyền thống Đào Xá sau này có thể mai một thì chúng tôi vẫn giáo dục cho thế hệ trẻ về một thời hưng thịnh của làng nghề, cũng như những nghệ nhân tâm huyết đã gắn bó cả cuộc đời gìn giữ nghề truyền thống như cụ Đào Văn Soạn", ông Trần Việt Hào bày tỏ. 

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan. 

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết