Phá lấu cốt dừa tưởng nhạt nhẽo mà khách ăn vài tô vẫn thòm thèm

TPHCM - Dù không có màu sắc bắt mắt, phá lấu cốt dừa vẫn được thực khách yêu thích nhờ hương vị thanh ngọt độc đáo.

Phá lấu là món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau đó dần du nhập về Việt Nam. Ngoài chứa nhiều chất dinh dưỡng, phá lấu còn hút khách bởi hương vị đậm đà, màu sắc bắt mắt của nồi nước dùng.

Đặc biệt, phá lấu cốt dừa - phiên bản biến tấu đầy mới lạ của phá lấu truyền thống cũng rất được thực khách yêu thích dù nước dùng chỉ có màu sắc đơn điệu.

Ảnh: Foody

Món phá lấu cốt dừa có màu trắng độc lạ tại Sài Gòn. Ảnh: Foody

Phá lấu cốt dừa hay còn được gọi là phá lấu trắng. Sở dĩ nước dùng của món phá lấu này không có màu vàng nâu nhạt đẹp mắt là bởi người làm không cho ngũ vị hương hay nước màu mà nấu hoàn toàn bằng nước cốt dừa.

Toàn bộ các nguyên liệu như lưỡi, tai, ruột, bao tử heo hoặc bò sẽ được sơ chế kỹ lưỡng bằng lá quế để khử mùi hôi, sau đó nấu trong nước cốt dừa đến khi chín mềm nhưng không được quá nhừ để vẫn giữ độ giòn. Một nồi phá lấu thường ninh trong khoảng từ 1 - 2 giờ.

Vì nồi phá lấu ít tẩm ướp gia vị nên người nấu càng phải đảm bảo nguyên liệu tươi ngon, sơ chế sạch sẽ. Nếu phát hiện ra mùi gây, hôi, người làm sẽ phải bỏ cả nồi.

Thoạt nhìn nồi phá lấu cốt dừa, nhiều người sẽ khá hụt hẫng vì màu sắc nhạt nhẽo, không hấp dẫn như các phiên bản phá lấu truyền thống. Tuy nhiên khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ, tự nhiên, thanh mát. Đặc biệt, phá lấu cốt dừa có thể ăn nhiều bát một lúc mà vẫn “thòm thèm” vì vị ngọt nịnh miệng, không ngấy mỡ.

Ảnh:

Phá lấu trắng được nấu từ nước cốt dừa, không cho nước màu hay ngũ vị hương. Ảnh: Foody

Phá lấu cốt dừa không ăn cùng mì gói, bánh mì hay các loại rau sống. Bởi lẽ nước dùng của phiên bản phá lấu này thiên ngọt, không “hợp rơ” nếu kết hợp với nguyên liệu nhạt hơn.

Thay vào đó, quán sẽ phục vụ thêm một bát nước chấm me. Vị chua của me giúp cân bằng, cho món ăn không quá nhạt hay quá ngọt.

Phá lấu cốt dừa chủ yếu hút khách nhờ hương vị, không phải do phần nhìn bắt mắt. Tuy đơn giản, đây lại là thức quà chiều thú vị, vừa rẻ, vừa ngon theo cách riêng không thua kém phá lấu truyền thống.

Nếu muốn thử phiên bản đặc biệt này, thực khách có thể tìm xe phá lấu chị Thục trong hẻm 154 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Một phần phá lấu cốt dừa tại quán có giá từ 20.000 - 50.000 đồng/tùy loại. Quán bán 5 món: lá mía, tổ ong, thăng long, trái khế và bao tử.

Ảnh:

Phá lấu cốt dừa được yêu thích không thua phá lấu truyền thống. Ảnh: Foody