Ra mắt sách “Lịch sử văn hoá biển Việt Nam”

Ngày 17-10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam tổ chức Tọa đàm ra mắt cuốn sách “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” của GS, TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại lễ ra mắt sách, PGS, TS Phạm Minh Phúc, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” là công trình làm rõ lý luận văn hóa biển, được khảo sát từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Công trình có nhiều điểm mới, hay và thú vị, chúng tôi rất hào hứng để tham gia phối hợp xuất bản, giới thiệu công trình tới độc giả”.

GS, TS Nguyễn Chí Bền (đứng giữa), nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. 

“Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” là một công trình đầy tâm huyết của GS, TS Nguyễn Chí Bền để xây dựng một bức tranh toàn cảnh về văn hóa biển Việt Nam, nghiên cứu trên khía cạnh lịch sử, phân tích và tổng hợp một lượng lớn tư liệu dân tộc học, khảo cổ học, địa lý và các ngành khoa học xã hội nhân văn khác. Qua đó, tác giả đã tái hiện một cách sinh động và chân thực bức tranh đa dạng và phong phú về đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của người Việt gắn liền với biển cả.

Chia sẻ tại lễ ra mắt, GS,TS Nguyễn Chí Bền bày tỏ: “Thách thức với tôi là lịch sử nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam phải đến 500 năm nay. Trong nước và nước ngoài người ta viết rất nhiều, phải tổng hợp và tiếp cận được. Từ góc nhìn văn hóa, cuốn sách sẽ mang đến một cách tiếp cận tinh tế và hiệu quả hơn đối với các vấn đề liên quan đến biển đảo”.

Cuốn sách “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” chính thức ra mắt. 

Cuốn sách “Lịch sử văn hóa biển Việt Nam” không chỉ có giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn lớn, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa biển, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cuốn sách dày hơn 400 trang, được kết cấu thành 7 chương, gồm: Tổng kết các nghiên cứu về văn hóa biển Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, từ đó xác định những khoảng trống và hướng nghiên cứu mới; khẳng định Việt Nam mang vị thế một quốc gia biển cả về tự nhiên và xã hội, đồng thời đưa ra những quan niệm về văn hóa biển; phân tích các chủ thể tham gia vào việc tạo dựng và phát triển văn hóa biển, như cộng đồng ngư dân, cộng đồng lãnh đạo, các nhà văn hóa biển; phân loại và phân tích các loại hình văn hóa biển, từ văn hóa khai thác biển đến văn hóa thích ứng biển cả, văn hóa bảo vệ chủ quyền; khái quát sự biến đổi của văn hóa biển Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, từ thời tiền sử đến hiện đại; so sánh và phân tích sự khác biệt của văn hóa biển giữa các vùng miền; bàn về một vấn đề quan trọng, đó là: Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa biển, tác giả đã đánh giá về thực trạng văn hóa biển hiện nay và đề xuất các giải pháp bảo vệ và phát triển văn hóa biển, nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện tại, GS, TS Nguyễn Chí Bền cùng ban biên tập đang tiến hành chuyển ngữ cuốn sách và mong muốn muốn mang được văn hóa biển đảo Việt Nam ra thế giới.

Tin, ảnh: PHƯƠNG HÀ

Lượt xem: 3
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.