Sách của một cây bút “châm biếm mà không chọc giận”

Lễ ra mắt cuốn sách “Nói hay đừng” và tri ân tác giả Lý Sinh Sự - Hà Văn - Trần Chinh Đức đều là bút danh của nhà báo Trần Đức Chính - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, nguyên Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận - diễn ra sáng 18.6 tại Hà Nội, với sự có mặt của gia đình tác giả, nhiều nhà báo - đồng nghiệp thân thiết và mến mộ cây bút xuất sắc trong làng Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Sách của một cây bút “châm biếm mà không chọc giận”

Nhà báo Lưu Quang Định (trong nhóm biên soạn sách) tặng hoa cho bà Thiếu Mai (vợ nhà báo Trần Đức Chính) và chị Trần Mai Linh (con gái nhà báo Trần Đức Chính). Ảnh: Việt Văn

Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa vào dịp nhà báo Trần Đức Chính bước vào tuổi 80 trong bối cảnh chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Một clip ngắn chừng 10 phút đã khái quát qua chặng đường làm báo của nhà báo Trần Đức Chính. Trong clip, nhà báo lão thành Huỳnh Dũng Nhân (nguyên phóng viên Báo Lao Động) cho biết ông nể phục tài quan sát cuộc sống, cách chẻ nhỏ đề tài và viết ngắn mà sâu, nhiều chi tiết đắt của Trần Đức Chính. Vợ tác giả, nhà báo Thiếu Mai bộc bạch bản thân là vợ mà bà cũng xúc động với nhiều bài viết của chồng, nhất là những tản mạn. Ông Chính viết rất nhanh, nhiều khi chỉ ngồi vào quán nước, nói chuyện với bạn bè dăm ba câu là ra ngay đề tài.

Nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận nhấn mạnh cái tâm, tính nhân văn của Trần Đức Chính hồi ông làm tổng biên tập báo đã đem đến một không khí ấm áp cho tòa soạn. Một cuộc bàn tròn ngắn giữa các cây bút một thời của Báo Lao Động nay có người vẫn làm ở Lao Động, người đã giữ vị trí quản lý của tờ báo khác như nhà báo Lưu Quang Định, Trần Duy Phương, Đỗ Doãn Hoàng, Vũ Thu Trà… càng nhấn mạnh sự tài hoa và lao động chuyên nghiệp của nhà báo Trần Đức Chính.

Nhà báo Trần Đức Chính từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967. Từ 1968 - 1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leeningrát (Liên Xô cũ). Ông công tác tại Báo Lao Động từ cuối năm 1967 nhưng đến năm 1994 mới chính thức “cầm trịch” mục “Nói hay đừng” trên Báo Lao Động. Và từ đó, bút danh đó trở nên thân quen với bạn đọc và ngày càng trở thành món ăn không thể thiếu, thậm chí là “nghiền” với độc giả. Đó là những bài bình luận sắc sảo, châm biếm sâu cay, tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời. Văn phong ngắn gọn, sâu sắc và lồng vào chất uy mua (humour) - hài hước càng dễ thấm vào bạn đọc.

Nhà báo Trần Đình Thảo ước tính trong 10 năm đầu gác mục “Nói hay đừng”, mỗi ngày ông viết một bài cho chuyên mục, 10 năm là 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí. Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm. Và Lý Sinh Sự không chỉ giữ chuyên mục “Nói hay đừng” trong 10 năm mà kéo dài tới 20 năm.

Cuốn sách “Nói hay đừng” với nhóm biên soạn đều đã từng là người của Lao Động kể cả chị Trần Mai Linh (con gái nhà báo Trần Đức Chính) dày gần 500 trang tập hợp những bài viết tiêu biểu của nhà báo Trần Đức Chính từ “Nói hay đừng” (68 bài) đến những bài Tản mạn và Chuyện dọc đường (57 bài), và Phóng sự (12 bài) với lời giới thiệu của nhà báo Trần Đình Thảo. Phần cuối cuốn sách gồm các bài viết, hình ảnh kỷ niệm của 12 bạn bè, đồng nghiệp với nhà báo Trần Đức Chính.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - người vẫn luôn yêu quý và kính trọng gọi nhà báo Trần Đức Chính - Lý Sinh Sự là “thầy” tâm sự: “Với tôi, nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy “kính nhi viễn chi” mà lại ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của tôi rất nhiều...

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ thêm: “Khi về Báo Lao Động công tác, tôi đã thật sự khâm phục anh Trần Đức Chính - Lý Sinh Sự về trình độ cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa. Sau hơn 20 năm giữ chuyên mục, anh đã có cả mấy vạn bài báo. Sức viết của anh làm bọn trẻ chúng tôi cũng phải ngả mũ. Với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe như vậy, nên anh được phong là “tứ trụ phiếm luận” trong làng báo Việt Nam. Anh là một người thích đùa đúng nghĩa.

Chuyện gì anh cũng đùa, cũng tiếu lâm, cũng pha trò được. Anh có biệt tài làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, làm mềm hóa sự xơ cứng của những đề tài khô khan bằng những câu nói đùa ý nhị. Đó là nét riêng, phong cách riêng của anh, của chuyên mục “Nói hay đừng”. Châm biếm mà không chọc giận”.

Trên trang viết là một cây bút tài hoa, sắc bén và rất tinh tế, còn ngoài đời nhà báo Trần Đức Chính là một người dễ gần, vui tính, cởi mở và luôn quý mến, giúp đỡ, dạy nghề cho các nhà báo trẻ.

Lượt xem: 11
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết