Vẻ đẹp non sông Việt qua góc nhìn hội họa

Triển lãm “Đất nước tôi” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang đến cho khán giả cái nhìn thú vị khi được trải nghiệm qua hình thức trưng bày các tác phẩm gốc, kết hợp trình chiếu kỹ thuật số với công nghệ motion graphics (đồ họa chuyển động).

Triển lãm trưng bày hơn 80 tác phẩm hội họa thuộc thể loại tranh phong cảnh của nhiều danh họa Việt Nam từ thế hệ mỹ thuật Đông Dương đến nay, được sáng tác vào các năm từ 1930 đến 2007.

Tại Triển lãm “Đất nước tôi”, khách tham quan thỏa sức ngắm nhìn, tưởng tượng và khám phá vẻ đẹp của hội họa qua những vùng đất lịch sử từ khu di tích Pác Bó đến núi Các Mác, Côn Sơn, Đền Hùng, dòng sông Hương thơ mộng cho đến sự kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, cao nguyên Đồng Văn, Tây Nguyên, Đà Lạt tới những vùng biển, đảo của Tổ quốc như Nha Trang, Phú Quốc...

 

 

    Khách tham quan trải nghiệm hình thức trưng bày trình chiếu kỹ thuật số tại triển lãm. 

Nhiều tác phẩm hội họa đặc sắc được công chúng quan tâm, có thể kể đến như: “Thác Bản Giốc” của danh họa Nguyễn Văn Tỵ; “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An; “Sương sớm ở Ba Vì” của Lưu Công Nhân và những bức tranh phố cổ xưa của danh họa Bùi Xuân Phái...

Bằng việc sử dụng công nghệ chuyển động, triển lãm đã biến những cảnh tĩnh trong tranh trở nên sống động như: Sự chuyển động của dòng người, rừng cây, mây trôi, suối chảy, thác đổ... giúp người xem hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sáng tác và thông điệp của tác phẩm gửi gắm.

Là người yêu mỹ thuật lâu năm, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, 63 tuổi, ở Hà Nội, cảm nhận: “Mỗi bức tranh mang đến những lăng kính khác nhau về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên hùng vĩ, thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt hơn, tôi rất ấn tượng khi được trải nghiệm công nghệ motion graphics, làm cho bức tranh như sống dậy, giúp tôi liên tưởng đến quang cảnh hiện thực, nơi tác giả đang chứng kiến, thực hiện tác phẩm”.

Việc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang đến hình thức trưng bày trình chiếu kỹ thuật số là một cách thưởng lãm mới. Cách làm này khai thác tính ưu việt của công nghệ số, mở ra hướng đi, giải pháp mới trong việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật, cũng như nâng cao chất lượng bảo quản hiện vật gốc. Đồng thời mở rộng, phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là những tác phẩm quý, lâu đời, bảo vật quốc gia sẽ thường xuyên xuất hiện, tiếp cận nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

Họa sĩ Phạm Luận chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Tôi rất bất ngờ khi nhìn lại tác phẩm “Ấn tượng phố Hà Nội” của tôi, được ban tổ chức mua vào năm 1997 và trưng bày trong dịp này. Triển lãm mang đến nhiều tác phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng đến từ nhiều thế hệ họa sĩ tài hoa Việt Nam. Triển lãm không chỉ đưa tôi về những kỷ niệm mà còn cho tôi thấy được giá trị nghệ thuật quý báu của dân tộc được lưu truyền tới ngày nay một cách trân trọng. Việc sử dụng kỹ thuật cinema graphics là nét mới, giúp công chúng tiếp cận gần hơn với nghệ thuật, cũng như gia tăng khả năng bảo tồn, đưa tác phẩm trong nước trình diễn quốc tế”.

Đến với Triển lãm “Đất nước tôi”, công chúng không những được thưởng thức giá trị của các tác phẩm gốc, cho đến sự chuyển động trong tranh của hình thức trình chiếu kỹ thuật số mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về các tác phẩm hội họa, sự kỳ vĩ của thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đất nước. Từ đó, người xem nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc và phát huy vẻ đẹp văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan. 

Lượt xem: 22
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.