Tân Hoàng Minh bỏ cọc là tin tích cực với thị trường bất động sản và nền kinh tế'

Theo TS. Võ Trí Thành, sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất ở Thủ Thiêm là cơ hội để nhìn nhận, hoàn thiện lại khung khổ pháp lý đối với đấu giá đất, hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ngày 10/1, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đã gửi tâm thư đến Tổng Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xin đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Lô đất này do Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trúng đấu giá vào ngày 10/12 với giá trúng 24.500 tỷ đồng.

Trong thông cáo phát đi mới đây, Tân Hoàng Minh cho biết doanh nghiệp sẽ thông tin bằng văn bản chính thức đến UBND TP HCM, Trung tâm Quỹ đất và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành phố. Phía doanh nghiệp chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định.

Chia sẻ thêm về lý do bỏ cọc, ban lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho biết doanh nghiệp đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. 

Đặc biệt, sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường vừa qua, Tân Hoàng Minh đánh giá và nhận thấy việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.

Liên quan đến sự kiện này, chia sẻ với người viết, TS. Võ Trí Thành cho rằng việc nhóm Tân Hoàng Minh đấu giá đất cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc gây tác động nhiễu đến thị trường là có nhưng không nhiều. 

"Dưới góc độ vĩ mô, vụ việc này lại mang ý nghĩa tích cực. Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất ở Thủ Thiêm cùng rất nhiều vụ việc khác là cơ hội để nhìn nhận, hoàn thiện lại quy trình, khung khổ pháp lý đối với đấu giá đất; đánh giá các khía cạnh tác động, từ đó có giải pháp ứng xử về truyền thông, xa hơn là giải pháp kinh tế, tài chính, tiền tệ,... hạn chế tác động tiêu cực lên thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung", TS Võ Trí Thành phân tích.

Về mặt thị trường, TS.Thành cho rằng sự kiện ít nhiều có ý nghĩa trong việc để thị trường tự điều chỉnh, điều tiết về đúng giá trị thực, phù hợp với một thị trường cạnh tranh nhưng minh bạch và lành mạnh. Điều đó là tốt với sự phát triển kinh tế nói chung.

"Đất đai, bất động sản là nhân tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất kinh doanh. Nhìn chung, nếu giá quá cao sẽ làm giảm tính hấp dẫn với thu hút đầu tư, từ đó giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh", TS Võ Trí Thành phân tích và nhấn mạnh nếu giá đấu khu đất quá cao sẽ có những ảnh hưởng khá tiêu cực.

Cũng theo ông Thành, giả sử hợp đồng mua bán đấu giá khu đất của doanh nghiệp vẫn được tiến hành, tức doanh nghiệp không bỏ cọc sẽ tác động lan tỏa đến phát triển hạ tầng, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đền bù đất đai, đền bù tài sản trên đất đai, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, việc nay cũng tác động đến bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng, việc huy động, đánh giá lại tài sản sẽ khác.

Còn theo quan điểm của TS. Đinh Trọng Thịnh, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đã được dự đoán từ đầu vì mức giá đó là bất hợp lý. Ông nhận định việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm xuống dần và trở về mặt bằng giá cũ.

Lượt xem: 113
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.