Sức sống mới trên những buôn làng ở cao nguyên Krông Nô
Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã từng bước thay đổi theo hướng tích cực, đời sống ngày càng được nâng cao.
Về huyện Krông Nô (Đắk Nông) hôm nay, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của vùng đất hội tụ nhiều nét văn hóa truyền thống các dân tộc. Đường từ trung tâm huyện đến các bon (buôn) vùng sâu, vùng xa đã được đổ bê tông khang trang, sạch đẹp.
Ngắm con đường thẳng tắp vừa hoàn thành, ông Vũ Văn Ngoạn (bon Broih, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) phấn khởi chia sẻ, đường mới làm xong được hơn một tháng, giờ đã có đường bê tông để đi lại cũng như phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản, bà con rất vui mừng.
“Chúng tôi rất biết ở Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho bà con có con đường đi lại thuận tiện. Trước kia, con đường đất nhỏ và hẹp nên khó đi lắm. Khi nghe cán bộ tuyên truyền về chủ trương làm đường của Nhà nước, tôi đã bàn với gia đình và quyết định hiến khoảng 1.600m2 đất (có hơn 220 cây cà phê trên đất). Khi hiến đất và cây trồng, gia đình tôi không mong cầu gì hơn ngoài việc có con đường sạch đẹp, để người dân, các cháu học sinh đi lại thuận tiện hơn”.
Người dân được hỗ trợ "cần câu cơm" nhờ Chương trình MTQG 1719. Ảnh: Anh Minh |
Không chỉ được đầu tư cơ sở, hạ tầng giao thông, bà con thuộc diện khó khăn ở các bon (buôn), vùng đồng bào DTTS huyện Krông Nô, còn được Nhà nước hỗ trợ “cần câu cơm”.
Vừa nhận được bò với giá 16 triệu đồng, ông Vi Văn Cấn (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho hay, đã đặt quyết tâm để thoát cảnh nghèo khó. Ông Cấn cho biết, gia đình có ít đất sản xuất nên hai vợ chồng phải làm đủ nghề nuôi các con ăn học. Dù rất cố gắng song vợ chồng ông chưa thể thoát khỏi diện hộ nghèo. Đó là điều vợ chồng ông trăn trở nhất. Vừa qua, ông được Nhà nước tặng 1 con bò nên rất vui mừng. Bởi với gia đình ông, đây là món quà lớn. Ông Cấn cho hay, sẽ chăm sóc con bò thật tốt, làm “của để dành” và quyết tâm vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới.
Bà Thái Thị Nguyên – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mâm (huyện Krông Nô) cho biết, Đắk Mâm thuộc khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trên địa bàn có 3 bon thuộc diện đặc biệt khó khăn gồm: Bon Đru, bon Yôk Rlinh, bon Broih.
Từ 2022 đến 2023, trên địa bàn triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tổng số vốn ngân sách Nhà nước giao cho thị trấn Đắk Mâm 3.342.000 đồng.
Nhà văn hoá được đầu tư xây dựng khang trang để phục vụ cho người dân sinh hoạt. Ảnh: Anh Minh |
Đến nay, thị trấn đã giải ngân được trên 90% nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần giải quyết vấn đề về nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc ở khu vực 3 bon như: Xây dựng mới nhà văn hóa; bê tông hóa các tuyến đường liên bon Broih; nâng cấp nhà vệ sinh, xây cổng tường rào cho Trường Tiểu học Trần Phú; sửa chữa điểm Trường Mầm non Anh Đào; lắp đặt và vận hành màn hình led (phục vụ công tác truyền thông phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi); hỗ trợ xây mới 9 căn nhà, 10 bồn nước cho các hộ nghèo là đồng bào DTTS…
Bà Thái Thị Nguyên thông tin thêm, qua hơn 2 năm thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từ đó, cuộc sống của bà con khu vực 3 bon nói trên, nhất là đời sống của các hộ dân là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao. Phía địa phương luôn quán triệt tinh thần triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho thật hiệu quả, tận dụng mọi nguồn lực, đưa thị trấn Đắk Mâm ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS.