Châu Á tiếp tục là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam

5 tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với Châu Á đạt gần 200 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 198,63 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 5, xuất khẩu đạt 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm gần 2,4 tỷ USD) và nhập khẩu là 32,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 148 triệu USD) so với tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 306,14 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 42,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 21,93 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 152,86 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 20,26 tỷ USD).

Trong tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu gần 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên tính chung 5 tháng nước ta vẫn xuất siêu 434 triệu USD.

Về thị trường xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 198,63 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,9%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Các đối tác thương mại lớn ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các thành viên ASEAN…

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Mỹ đạt 64,78 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái; châu Âu đạt 32,39 tỷ USD, tăng 9,8%; châu Đại Dương đạt 7,03 tỷ USD, tăng 29,9% và châu Phi đạt 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ 0,4%.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030

Ngày 19/4/2022 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

Một là, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm. Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Hai là, xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hoà. Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.

Hương Anh (tổng hợp) 

Lượt xem: 87
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.