Chứng khoán tháng 11: Chờ cơn mưa rào

Rủi ro thông tin và áp lực thanh khoản của thị trường vốn khiến thị trường chứng khoán tháng 10 diễn biến thiếu tích cực. Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt, với những khó khăn của thị trường, rất khó để nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận.

Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 11 mới phát hành của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong tháng 10, thanh khoản vẫn là tâm điểm của thị trường khi tiếp tục bị thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu được bắt nguồn từ sai phạm trong phát hành trái phiếu liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, cũng như áp lực chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương toàn cầu. Áp lực nhà đầu tư đáo hạn trái phiếu trước hạn gia tăng, diễn biến này đã tác động đến các tổ chức tài chính, tổ chức phát hành trái phiếu và cả thị trường chứng khoán.

VN-Index trong tháng 10 một lần nữa ghi nhận tháng giao dịch sụt giảm mạnh, khi thị trường mất 9,2% so với tháng trước, và kết thúc tại 1.027 điểm. Các chỉ số phụ khác thậm chí ghi nhận diễn biến tồi tệ hơn khi VN30, VN MIDCAP và VN SMALLCAP giảm lần lượt 10,9%, 11,9% và 15,8%.

Sự tắc nghẽn thanh khoản trên thị trường vốn cũng đã tác động mạnh lên thị trường chứng khoán. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE giảm về mức 9.253 tỷ đồng/phiên (-21,6% MoM). 7/10 nhóm ngành giảm hơn VN- Index. Vật liệu (-22,4%) là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, gã khổng lồ ngành thép là HPG (-26,2%) dẫn đầu đà mất giá trong nhóm vật liệu, theo sau là GVR (-29,3%) và HSG (-23,0%). Tuy nhiên, tài chính (-9,9%) mới là nhóm đóng góp nhiều nhất vào đà giảm điểm của VN- Index khi có tỷ trọng vốn hóa lớn. TCB (-24,3%), VPB (-9,2%), MBB (-11,5%), và STB (-21,6%) là các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất của ngành ngân hàng lên chỉ số thị trường.

Trong tháng 10, nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại là nhóm đã cân bằng áp lực bán của nhóm nhà đầu tư khi thị trường điều chỉnh sâu. Đáng chú ý, khối ngoại ghi nhận một phiên bán ròng bất thường trong ngày giao dịch 28/10. Tuy nhiên, động thái này phần lớn liên quan đến cổ phiếu EIB (3.342 tỷ đồng) thông qua giao dịch thỏa thuận.

Thống kê kết quả kinh doanh quý 3/2022, về mặt lợi nhuận, 11 nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng, 2 nhóm ngành quay lại có lãi và 3 nhóm ngành chứng kiến lợi nhuận giảm. Trong bối cảnh giá hàng hóa giảm mạnh từ đầu năm dẫn đến lợi nhuận của nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản chuyển sang lỗ trong quý 3.

Du lịch và giải trí mặc dù ghi nhận doanh thu tăng trưởng, nhưng vẫn trong vùng tiêu cực. Tuy nhiên, mức lỗ đã giảm đi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong số các nhóm đạt lợi nhuận, ngân hàng vẫn là ngôi sao sáng với đóng góp thu nhập cao nhất (54,1%), và tỷ suất sinh lời trên vốn hóa (3,3%) cao nhất trong 3 quý năm 2022.

Định giá VN-Index về mức hấp dẫn, thị trường vẫn cần thêm thời gian

Báo cáo của Rồng Việt đánh giá, mặc dù định giá VN-Index đã về mức hấp dẫn so với các giai đoạn trước đây, tuy nhiên, trong nước, thanh khoản dòng vốn đang bị tắc nghẽn và các rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề cần được giải quyết để thị trường có động lực phục hồi trở lại.

Ở chiều hướng tích cực, hiệp hội trái phiếu doanh nghiệp đã có những buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã có đề xuất một số phương án để trình lên Bộ Công Thương. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các cơ quan ban ngành có thể đưa ra phương án xử lý cuối cùng.

Vì vậy, trong khoảng thời gian này, chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, hoạt động giao dịch trên thị trường sẽ vẫn diễn biến khá thận trọng. Ngoài ra, trong những ngày cuối tháng 10, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt đã giúp NHNN có một ít dư địa hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, giải tỏa một phần áp lực vốn toàn thị trường đang bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này của NHNN vẫn chưa đủ mạnh mẽ để khơi thông dòng vốn.

Trong kịch bản cơ sở, báo cáo của Rồng Việt kỳ vọng, VN-Index dao động trong khoảng 940 - 1050.

Trong ngắn hạn, những vướng mắc trên của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ, và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Sẽ có sự luân chuyển nhanh hơn và ngắn hơn giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Với diễn biến này, sẽ rất khó để các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận. Rồng Việt giữ quan điểm duy trì danh mục phòng thủ với tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu.

Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, có thể tận dụng vị thế tiền mặt để lướt sóng cổ phiếu có sẵn trong danh mục nhằm tận dụng lợi thế T+. Nếu kiên nhẫn chờ mua thấp, hiệu suất sinh lời của nhà đầu tư sẽ tốt hơn mua đuổi trong phiên.

Lượt xem: 40
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết